Chuyện về một người chị
09/04/2012CHUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI CHỊ
Nguyễn Thị Kim-Thu
Kiều-Xuân học cùng lớp với tôi, Thu-Thủy và Tố-Uyên ở trường Đoàn Thị Điểm Cần Thơ. Nhà Kiều-Xuân ở Xóm Đáy khá xa, nhà lại nghèo, nên ít có dịp sinh hoạt cùng nhóm chúng tôi như đã kể trong “Dưới bóng cây ô-môi”. Nàng khá đẹp, duyên dáng, có mái tóc dài, nước da bánh mật. Nàng học rất giỏi và chăm chỉ. Ba mẹ Kiều-Xuân làm nghề thả đáy ở Vàm Ninh Kiều, cuối dòng sông chảy qua nhà tôi. Tuy nhà nghèo, nhưng Ba Má nàng chuộng ăn học, bắt chị em ráng ăn học, phải thành tài để thoát cảnh nghèo khó. Trong mỗi bửa ăn, mấy chị em phải nghe lời khuyên nhũ như kinh nhật tụng của ba má. Làm nghề thả đáy phải theo con nước lên xuống hàng ngày của dòng sông, không theo giờ giấc nhất định, khi thì thả đáy ban ngày, lúc ban đêm. Vì vậy, là chị hai, ngoài việc học nàng phải thay cha mẹ lo việc nhà, chăm sóc, và chuyện học hành cho 3 đứa em. Em gái kế là Ngọc-Hạ nhỏ hơn nàng 3 tuổi, và 2 em trai là Tuấn, và Tú, cách nhau 2 hay 3 tuổi. Các em đều vâng lời chị, học hành chăm chỉ và đều giỏi. Trong mỗi buổi tối, nàng ra lệnh là đứa lớn chỉ dạy đứa nhỏ, và trước khi đi ngủ, mỗi đứa em phải đến trình chị xem các bài kiểm đã hoàn tất không, rồi nàng dạy thêm khi thấy không vừa ý. Sáng sớm, nàng dậy trước, rón rén xuống bếp lo buổi ăn điểm tâm cho ba má, và các em, rồi kiểm soát các em có ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ trước khi đi học. Buổi trưa đi học về, nàng cùng Ngọc-Hạ lo cơm nước cho cả gia đình. Chiều cũng vậy, tom hết quần áo dơ của cả gia đình, hai chị em gái lo giặt giũ. Phần các em trai, nàng phân công bắt đứa này lo phần chặt củi, đứa kia lo xách nước đầy lu, đánh phèn, v.v. Xong công việc chị mới cho các em trai đi chơi tới giờ cơm chiều. Một gia đình rất hạnh phúc và nề nếp.
Má cùng Ba hàng ngày đi thả đáy để bắt cá. Sau đó Ba chèo ghe đưa má ra chợ Cần Thơ bán, có tiền hơn ở chợ Cái Răng. Khi không còn chợ chiều để bán cá vừa mới bắt, ông chèo ghe đưa bà len lỏi vào các rạch để bán tới khuya cho các nhà ven sông rạch. Vì vậy mà tôi biết ông bà. Mỗi lần gặp, ông hỏi về việc học hành của chúng tôi.
Sau khi vào học trường NLS, tôi không còn liên lạc nhiều với nhóm bạn học ở trường Đoàn Thị Điểm, tôi cũng ít khi gặp Thu-Thủy và Tố-Uyên, mặc dầu ở cùng xóm.
Một ngày nọ, Thu-Thủy hớt hải chạy đến nhà tôi thông báo cho biết là ba má Kiều-Xuân chết đuối trong đêm trước. Mùa cá linh chạy, dòng sông chảy xiết. Lúc nửa đêm, hai ông bà đang bơi ghe đầy khẩm cá linh về, thì một cơn giông lớn với sóng cao lập úp chiếc ghe. Đang ở giữa giòng sông rộng bao la, mưa gió ầm ầm, lại lúc đêm khuya, tiếng ông bà kêu cứu bị át mất bởi giông bão. Mãi tới trưa hôm sau, thi thể ông bà mới tìm thấy cách đó trên hai cây số. Hai ông bà chết trong tư thế ôm nhau. Các láng giềng đoán rằng ông bị chuột rút (vọp bẻ) vì thấy bắp thịt chân co lại, và có lẽ bà đến cứu ông nhưng cuối cùng cả hai đều đuối sức và chết.
Kễ từ đó, Kiều Xuân bỏ học, thay ba má nuôi đàn em. Vào lứa tuổi 15, nàng lao mình đi tìm cuộc sống cho bốn chị em. Cũng theo con nước, nàng chèo ghe đi góp mua cá từ các ghe đáy trên sông, rồi chở ra chợ Cần Thơ hay Cái Răng bán lẻ. Cũng theo con nước, nàng chở cá bán từng nhà dọc theo sông, rạch, khi không còn chợ chiều. Để kiếm thêm lợi tức, khi tan chợ, lại chèo ghe vào miệt Phong Điền mua mọi thứ trái cây để bán ở chợ. Tóm lại, từ sáng đến tối, có khi đêm khuya, nàng xuôi ngược kiếm tiền. Em Ngọc-Hạ, vừa đi học vừa quán xuyến việc nhà, chăm sóc và lo chuyện học hành của hai em trai. Tối về, nàng kiểm soát lại mọi chuyện, từ ăn, mặc, học hành của các em có theo đúng ý nàng không. May mắn, là gia đình đã sống có nề nếp từ trước, nên mọi chuyện đều tốt đẹp. Các em Ngọc-Hạ, Tuấn và Tú đều học giỏi, khỏe mạnh, và áo quần có phần tươm tất hơn ngày xưa, thời còn cha mẹ. Nàng hy sinh tất cả vì đàn em. Thấy chị quá khỗ cực, Ngọc-Hạ xin phép bỏ học để giúp, nhưng Kiều-Xuân không cho, bắt phải học thật giỏi để vào đại học. Nàng bảo rằng tất cả các em phải vào đại học. Phải tốt nghiệp đại học mới có cơ hội thoát cảnh nghèo.
Năm Kiều-Xuân 21 tuổi, Ngọc-Hà thi đậu vào Đại Học Sư Phạm Cần Thơ, Tuấn vừa đậu Tú Tài I, còn Tú Trung học Đệ Nhất Cấp. Vào thời điểm này, có nhiều chàng trai, nhà giàu có, có bằng cấp, hoặc nghề nghiệp tốt, hay sỉ quan đến mong muốn cưới nàng, nhưng Kiều-Xuân cự tuyệt tất cả. Nàng quyết định nuôi các em, cho tới khi nào Tú tốt nghiệp đại học và có nghề nghiệp vững chắc, lúc đó nàng mới tính chuyện chồng con.
Năm nàng 25 tuổi, Ngọc-Hạ tốt nghiệp sư phạm. Nhờ đậu cao, Ngọc-Hạ được bổ nhiệm làm giáo sư một trường quận cũng gần Cần Thơ, sáng đi chiều về. Kiều-Xuân mua cho em một xe Honda Dame mới toanh để em đi dạy, không thua sút ai. Sau đó 2 năm, Tuấn cũng tốt nghiệp Kỷ sư Công Chánh ở Trung Tâm Phú Thọ. Cuối cùng, năm nàng 31 tuổi, Tú tốt nghiệp Bác Sỉ.
Giấc mơ của Kiều-Xuân đã hiện thực. Thời cuộc đổi thay, tôi theo chồng qua Anh, nên không biết thêm gì về Kiều-Xuân.
Trong chuyến về thăm Việt Nam và Cần Thơ vừa qua, tôi có dịp gặp Kiều-Xuân. Chúng tôi mừng muốn khóc. Ở cái tuổi trên 60, Kiều-Xuân vẫn còn trẻ nhiều so với người đồng tuổi ở trong nước. Nàng khoe với tôi là nàng có tới 3 gái và 4 trai, và hàng lố cháu nội ngoại. Tôi tưởng Kiều Xuân sau này có chồng, nên hỏi: “Chớ bồ lập gia đình hồi nào mà nay con cháu nhiều thế ?”. Kiều Xuân đánh khẻ vào vai tôi, tâm sự “Mình làm gì có chồng có con. Đó là lũ con và cháu của Ngọc-Hạ, Tuấn và Tú. Mình thay mặt ba má nuôi các em thành tài, rồi lập gia đình cho các em. Đến lúc các em có con, mình làm luôn nhiệm vụ “bà vú” cho các cháu, để các em và chồng hay vợ nó vẫn tiếp tục làm việc. Bây giờ đã hoàn thành nhiệm vụ. Nay mình ở nhà em này vài ngày, mai đến nhà em khác ít ngày, vui hưởng tuổi già mà !”.
Reading, Ngày-Nói-Láo-Tháng Tư – April Fools’ Day – 1/4/2012
Nguyễn Thị Kim-Thu