Dưới bóng cây ô môi
Lên mạng ngày 01/9/2011
DƯỚI BÓNG CÂY Ô MÔI Nguyễn Thị Kim-Thu
Chúng tôi đang thả bộ, tay trong tay, trong khu phố sầm uất Oxford Circus ở London. Đang mùa hè, trời khá nóng bức, chúng tôi thấm mệt vì đã hàng giờ “window shopping”, cảm thấy đói, và định tìm một quán ăn trưa yên tịnh ở góc phố. Trên đường đến đó, có một cặp vợ chồng gốc Á đông đi ngược chiều và nhìn chúng tôi. Chúng tôi không để ý, vì khu phố danh tiếng thế giới này hàng năm có hàng triệu du khách đủ mọi quốc gia đến du lịch mua sắm, hơn nữa lại gần khu phố Tàu Soho thì việc gặp người gốc Hoa là chuyện bình thường. Khi qua mặt, chúng tôi nghe họ thì thầm bằng tiếng Việt “Sao giống Kim-Thu quá”. Như vậy đúng là người Việt, và có quen biết tôi. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, quay đầu lại nhìn. Hai vợ chồng này cũng quay đầu nhìn chúng tôi. Tôi ngỡ ngàng, phải mất vài giây mới thốt ra tiếng “Xin lỗi, có phải chị là Thu-Thủy không?”. Chị ta gật đầu. Thế là chúng tôi ôm nhau, giữa phố đông người, mặc kệ hàng trăm con mắt nhìn chúng tôi một cách lạ lùng. Tôi nhìn qua người chồng, tôi biết chắc là anh Việt, nhưng tôi do dự không dám hỏi, vì tế nhị, sợ nếu lầm thì khó xữ. Thu-Thủy giới thiệu “Bộ Kim-Thu không nhận ra anh Việt sao ?”. Thế là tôi đã đoán đúng. Vợ chồng tôi mời anh chị cùng đi ăn trưa, ở nơi vắng vẻ, có nhiều thời gian tâm sự.
Thu-Thủy, anh Việt và tôi ở cùng xóm. Tố Uyên, em gái anh Việt, Thu-Thủy và tôi học chung một lớp suốt thời tiểu học, và 2 năm Đệ Thất Đệ Lục tại trường nữ Đoàn Thị Điểm Cần Thơ. Tôi dời qua học trường Nông Lâm Súc ở lớp Đệ Ngũ, còn Thu-Thủy và Tố-Uyên tiếp tục học cho tới Tú Tài 2, rồi vào Đại Học. Anh Việt học trên chúng tôi hai lớp, cũng cùng trường tiểu học, nhưng lên trung học thì học ở trường nam Phan Thanh Giản Cần Thơ.
Từ thời năm sáu tuổi, ba đứa gái chúng tôi thân lắm. Nhà Tố-Uyên có một vườn rất lớn đủ các loại cây ăn trái, đặc biệt có một cây Ô-Môi mọc sát bờ sông. Tố-Uyên thường mời chúng tôi đến nhà chơi hay học bài chung. Ba Má Tố Uyên coi chúng tôi như con cháu, mỗi lần đến chơi hai bác đều bắt anh Việt dẫn chúng tôi ra vườn hái trái cây ăn thỏa thích. Thời con nít thật ngây thơ và vui tươi.
Anh Việt học giỏi, tánh tình dạn dĩ, can trường, lúc nào cũng bao che bạn bè. Một lần có hai đứa trai du côn xóm khác đến chọc phá nhóm bạn gái chúng tôi đang vui chơi. Tố -Uyên bèn chạy về nhà mét anh, anh vội vã xăng tay áo chạy đến, nhảy vào vòng chiến, một mình anh phải đánh lộn với hai đứa cùng tuổi. Nhờ can đảm gan dạ anh cho hai đứa kia đo ván. Từ đó hai đứa du côn kia không còn dám bén mảng đến xóm chúng tôi. Anh lúc nào cũng chứng tỏ là bậc đàn anh, chăm sóc, hỏi han chúng tôi muốn ăn loại trái gì. Vườn nhà anh đủ các loại trái cây, có trái chín quanh năm. Nào mận, khế, chùm ruột, mảng cầu, vú sửa, bòn bon, ổi xá lị, măng cụt, xoài, chôm chôm, v.v. Đứa nào chọn thứ gì thì anh dẫn cả bọn đến gốc cây đó, thoắt một cái anh đã leo tới gần ngọn, và còn hỏi là muốn trái nào thì anh với tay hái trái đó. Có đứa muốn uống nước dừa xiêm, thế là anh leo lên cây chọn buồng dừa ngon nhất, rồi dùng dao chặt dừa vừa phạm đến phần cơm mỏng, thật khéo tay. Sau khi ăn no nê, chúng tôi kéo ra bờ sông, ngồi dưới bóng cây ô-môi cổ thụ nói chuyện, chơi trò hay ôn bài.
Cây ô môi to lớn, một phần tàng cây rũ bóng xuống dòng sông, một phần trên bờ. Đây là nơi lý tưởng để ngồi hóng mát, ngồi trên bờ bên gốc cây, chân đong đưa dọc nước, nhìn dòng sông chảy êm đềm. Có khi nghịch ngợm, chúng tôi leo lên cây, ngồi vắt vẽo. Ô Môi có bông màu hồng đậm, rực rở, mọc thành chùm vào đầu hè, đẹp hơn bông phượng vĩ ở sân trường. Khi 5-6 tuổi, chưa biết e thẹn, vào mùa hè nóng nực, chúng tôi thường nhảy xuống sông tắm. Chúng tôi nhờ anh Việt leo lên cây, rung các cành đầy bông. Chùm bông ô môi rất dễ rụng, cả chùm lớn rớt xuống dòng sông đang êm đềm chảy. Bông ô môi lềnh bềnh trôi từng đám khá lớn. Chúng tôi cá nhau, lặn xuống và khi trồi lên, đầu đứa nào mang nhiều bông ô môi trên mái tóc là đứa đó thắng, rồi cùng nhau cười nức nẽ. Chơi trò này chán, chúng tôi vớt bông lên bờ, chọn những búp bông chưa nở, còn nhỏ và tròn, dùng kim chỉ xỏ thành chùm dài như chuỗi ngọc màu hồng sậm đeo vào cổ, trông rất đẹp mắt. Nếu muốn có chùm ngọc hình dạng khác thì có hạt cây gạo hay hạt cườm, và anh Việt cũng là người tình nguyện đi hái.
Với cây ô môi, chúng tôi thích nhất là ăn chè hột ô môi và trò chơi đánh búng. Nhưng hái được trái ô môi đã là điều khó đối với bọn gái chúng tôi, còn việc róc võ trái ô môi lại càng khó hơn. Trái ô môi không rụng, dính mải trên cây cho tới mùa bông trái năm sau. Dỉ nhiên, chỉ có anh Việt làm được chuyên này một cách dễ dàng. Anh dùng lưởi hái gắn vào cây sào dài, leo lên cây, và khứa vào cuống trái cho rụng. Vạc róc võ cũng cần khéo tay, vì võ cứng như gỗ, không cẫn thật rất dễ đứt tay. Chúng tôi gỡ ra từng tấm tròn giống như đồng tiền để ăn, còn hột cất dành chơi đánh búng. Hột ô môi hình thon thon như trái tim, cứng và quí hơn hạt me trong trò chơi đánh búng.
Lớn hơn một chút, biết e thẹn, chúng tôi không còn tắm sông. Thay vào đó là nấu chè ô môi. Hột ô môi phải ngâm nước trước một ngày, hột trương nỡ lớn gấp 3 lần, lột bỏ lớp võ là lớp cơm trắng dày như nhãn nhục, nhưng dai hơn, dai như cơm trái dừa nước. Trong cùng là tim, ăn đắng, nên loại bỏ. Chè cơm hạt ô môi ăn rất ngon, nhai sừng sực. Ôn bài xong là chè cũng vừa chin. Thật thú vị ngồi ăn dưới bóng mát cây ô môi.
Khi vào trường Nông Lâm Súc, không còn ôn bài học chung, ngày nghỉ cuối tuần lại bận công tác Thanh Thiếu Nông 4-T, nên tôi không còn sinh hoạt với các bạn. Tôi chỉ biết là Thu-Thủy và anh Việt đã yêu nhau khi Thu-Thủy lên đệ nhị, sau chục năm quen thân nhau trong tình bạn cùng sinh hoạt bên gốc cây ô môi. Sau khi đỗ tú tài 2 năm 1967, anh Việt vào học Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Còn Thu-Thủy và Tố Uyên sau khi đỗ Tú Tài 2 lên Sài Gòn học ở Đại Học Sư Phạm dạy đệ nhị cấp, Thu-Thủy theo ngành Anh Văn, còn Tố-Uyên ngành Văn Chương. Tố-Uyên và anh Việt rất giỏi Việt Văn ở thời trung học. Một lần gặp nhau ở Sài Gòn, Thu-Thủy tâm sự là hai người sẽ thành hôn khi tốt nghiệp Sư Phạm.
Sau khi tốt nghiệp trường Võ bị Đà Lạt, anh Việt gia nhập binh chủng nhảy dù. Là một sỉ quan dũng cảm, anh lập nhiều chiến công lẫy lừng ở khắp mặt trận từ tây nguyên, miền Trung và đồng bằng miền Tây.
Thu-Thủy tốt nghiệp với hạng cao, nên chọn được trường dạy ở vùng Sài Gòn năm 1972. Đang chuẩn bị nhờ người xem ngày lành tháng tốt cho lễ thành hôn thì Mùa Hè Đỏ Lửa (1972) xảy ra. Đơn vị của anh được không vận tới nhiều chiến trường ở cao nguyên, rồi miền Trung để giải vây. Trận cuối cùng anh chiến đấu là trận Đồi gió ở An Lộc vào giữa tháng 4/1972. Theo lời anh kễ, khi tôi đến thăm lúc anh vừa giải ngũ và về Cần Thơ điều dưởng bên cha mẹ. Sau gần một tuần quần thảo với địch quân tại vùng suối Tàu Ô, thì đơn vị anh được trực thăng vận đến tăng cường lực lượng bạn đang tử thủ ở Đồi Gió. Đây là điểm chốt chận địch quân tấn công vào An Lộc. Bằng mọi giá, địch quân quyết tâm bứng căn cứ này để tiến vào An Lộc, vì vậy trận chiến rất tàn khốc. Với chiến thuật “tiền pháo hậu xung biển người” giữa hai bên có quân số chênh lệch, nhưng nhờ sự can trường của đồng đội và tài thao lược của cấp chỉ huy, trong đó có anh, đã đẩy lui được nhiều đợt biển người. Tiết kiệm từng viên đạn, từng hỏa tiễn M72 và tài bắn rất chính xác, không một xe tank T54 nào leo lên tới lưng chừng đồi mà không bị bốc cháy. Hàng ngàn quả đại bác của địch tới tấp nỗ vang ở đỉnh đồi, nơi đơn vị anh đóng chốt ở các chiến hào phòng thủ. Không may, một quả pháo rớt gần chiến hào, mảnh đạn trúng cỗ tay trái, một mảnh khác chui vào đùi. Mặc dầu bị thương, anh vẫn chỉ huy chiến đấu sau khi tạm băng vết thương, dựa lưng vào thành giao thông hào để chỉ huy. Chính đêm hôm bị thương đó, anh cùng các đồng đội trong giao thông hào của anh còn sống sót, hay thương tích nhẹ, đã tiêu diệt 4 chiếc T54, và chiến đấu tới đợt tấn công biển người thứ 16 vào trưa ngày hôm sau, thì anh kiệt sức vì mất nhiều máu. Có lệnh rút lui về căn cứ Đồi 169. Đồng đội phải dìu anh qua 2 km đường đồi, rừng rậm và sình lầy. Rồi phải chờ thêm 1 ngày nữa, khi áp lực địch giảm mới có trực thăng đáp xuống để bốc anh và đồng đội bị thương về Sài Gòn chửa trị. Không may cho anh, bàn tay bị nhiểm độc quá nặng, bác sỉ quyết định cưa bỏ bàn tay trái của anh.
Trong thời gian binh lửa, Thu-Thủy lo âu vô cùng vì không nhận được tin tức của anh, cho mải tới khi anh Việt được chở về điều trị ở bệnh viện quân đội Sài Gòn. Chị xin nghĩ phép một tuần để nuôi anh, và sau đó, hết giờ dạy là chị ở bên anh trong suốt thời gian điều trị.
Sau khi anh Việt lành vết thương, mất bàn tay trái và chân đi khập khểnh, anh giải ngủ và về Cần Thơ sống bên cha mẹ. Vì mặc cảm tật nguyền, anh xin gia đình bên Thu-Thủy hủy bỏ chuyện hôn nhân. Nhưng Thu-Thủy không chịu, khóc lóc cùng anh, và khẳng định rằng dầu anh có thương tật gì đi nữa, nàng vẫn quyết lấy anh. Nàng đã van lơn, an ủi, hứa hẹn một tương lai sáng lạng cho hai người, nhưng anh vẫn không đổi ý, và bảo Thu-Thủy đừng tội nghiệp anh mà hư cả tương lai, anh tật nguyền, không nghề nghiệp, làm sao có được một tương lai tốt đẹp. Kiên trì thuyết phục, cuối cùng Thu-Thủy đã thắng, hai người thành hôn năm 1973. Về Sài Gòn, Thu-Thủy thuyết phục anh ghi học Anh Văn Đại Học Văn Khoa, hy vọng khi tốt nghiệp Cữ nhân Anh Văn thì anh chị sẽ mở lớp dạy Anh Văn tại nhà.
Mộng chưa thành, thì biến cố tháng 4/1975 xảy ra. May mắn, vào giờ thứ 25 của Sài Gòn, cấp chỉ huy trước đây của anh cho tài xế đến nhà hỏi anh chị có muốn di tản cùng gia đình Ông không. Vội vã anh chị bồng cháu nhỏ lên xe mà chưa kịp báo tin về nhà cha mẹ ở Cần Thơ.
Sau một thời gian, gia đình mới biết anh chị đã di tãn và định cư ở Florida. Tôi được Tố-Uyên cho biết như vậy. Cho đến hôm gặp nhau ở London, sau hơn 36 năm, Thu-Thủy mới kễ cho tôi biết thêm sau khi đến định cư ở Hoa Kỳ. Thu-Thủy, hy sinh, chỉ đi học nghề cắt tóc để mau có việc làm nuôi gia đình. Thu-Thủy bắt anh vào học Đại Học ngành vi tính. Vài năm sau, anh tốt nghiệp và may mắn có công ty ở địa phương mời anh làm về software. Anh chị có thêm cháu, tỗng cộng 2 trai một gái. Sau này chị làm chủ một tiệm nail, anh càng ngày được thăng chức cao hơn, rồi các con khôn lớn, thành tài, hai cậu trai tốt nghiệp bác sỉ, cô gái là nha sỉ. Bây giờ, hai anh chị về hưu, du lịch đây đó. Anh chị mời chúng tôi qua chơi Miami ở nhà anh chị. Chị nói anh chị có một mảnh vườn, tuy không lớn lắm, nhưng có đủ mọi thứ trái cây như vườn nhà anh Việt ở Cần Thơ. Tôi hỏi “chứ có cây ô môi không?”. Anh Việt cười ha hả trả lời “cây gì thiếu thì được, chứ cây ô môi phải có. Thu còn nhớ cây ô môi ở nhà anh chứ, nhờ cây đó mà chúng tôi thành vợ chồng”. Thu-Thủy nói thêm “Khi nào Thu và anh Hồng đến thăm, thế nào tụi này cũng đải một nồi chè ô môi. Chắc anh Hồng chưa từng thưởng thức món chè này”.
Trong tuần qua, vùng duyên hải Miền Đông Hoa Kỳ bị động đất, tiếp theo là cơn lốc bão Irene tàn phá nặng nề, gây nhiều tử vong. Tôi phone hỏi thăm thì Thu-Thủy cho biết là không sao cả, duy chỉ có vườn cây bị bảo làm trốc gốc nhiều cây. Tôi hỏi thăm về cây ô môi, Thu-Thủy cười và trả lời “Không sao cả”.
Cây ô môi rất vửng chắc, trái ô môi khó rụng dầu bảo tố, như tình yêu chung thủy và đầy hy sinh của Thu-Thủy với chồng với con.
Reading, cuối tháng 8/2011
Nguyễn Thị Kim-Thu
|
Cảm khái về anh chàng nhảy dù mủ đỏ -Anh Việt - đã hy sinh bàn tay trong trận An Lộc 1972, tôi có làm một bài thơ:
MỘT BÀN TAY
Tặng anh Việt, nhân vật trong truyện “Dưới bóng cây Ô môi”
Bàn tay để lại quê hương
Tang bồng hồ thỉ can trường còn đây
“Tàu ô”, “Đồi gió” bao ngày
Tận miền An Lộc miệt mài khói sương
Từ ngày anh đã bị thương
Máu anh đổ xuống chiến trường “bảy hai” (*)
Quê hương không của riêng ai
Trái tim anh rộng trải dài rừng sâu
Ra đi mất đất tình sầu
Như con hổ sống còn đâu núi rừng
*1972 – Mùa Hè Đỏ Lửa
Reading, 9/2011
Nguyễn Thị Kim-Thu