DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Huyền thoại về rắn

1/2013 - Xuân Quý Tị


                                         
Nguyễn Thị Kim-Thu

 

Việt Nam là vùng xứ nóng, ẩm, nhiều rừng nên là nơi sinh sống của khoảng 200 loài rắn, sống từ đồng ruộng, đầm lầy ở đồng bằng, đến rừng rậm, núi cao. Vì rắn ở mọi nơi, từ trong nhà như rắn rồng, ngoài bờ đất hay trên cây trong vườn, v.v. nên có nhiều huyền thoại về rắn. Rắn dài trung bình 1 m, còn trăn có thân xác lớn dài trên dưới 10 m, còn mảng xà vương trong huyền thoại cổ tích thì là loại khổng lồ, chuyên ăn thịt người, đặc biệt phải trinh nữ được dâng cúng hàng năm.

          Từ tuổi biết nói, biết nghe, con nít nào lại không biết chuyện Thạch Sanh Lý Thông với chuyện con trăn hóa tinh, một loại mảng xà vương thần thông phép thuật chuyên ăn thịt người. Thạch Sanh nhờ các vì tiên do Ngọc Hoàng đề cử để dạy võ nghệ và pháp thuật nên giết được con trăn tinh này.


          Ngọc rắn, cũng là một huyền thoại vì không có thật, thường được truyền tụng ở Việt Nam. Ngọc rắn bắt nguồn từ huyền thoại của Tàu. Công Dã Tràng, một thầy thuốc, có khả năng nghe được tiếng nói của muôn loài thú. Trong vườn sát nhà ông có một cặp rắn hổ. Một hôm, rắn đực đi vắng, rắn cái gian dâm với một rắn đực vườn nhà bên. Tình cờ Công Dã Tràng nhìn thấy, và nghe được hai con rắn “dâm phu dâm phụ” tự tình, ông tức giận lấy cây rượt đánh hai con rắn dâm đảng đó. Rắn đực về, ông nói sự tình, rắn đực buồn rầu đau khổ, và để trả ơn rắn đực nhả một viên ngọc để biếu ông và nói rằng: "Đại nhân hãy giữ kỹ viên ngọc này nó sẽ giúp ông cấp cứu thiên hạ, nếu chẳng may họ bị rắn độc cắn. Đại nhân cứ áp viên ngọc vào nơi thương tích, là nó sẽ hút hết chất độc”. Gần đây, báo chí trong nước cũng tường trình về các thầy thuốc vườn ở thôn quê xử dụng ngọc rắn để trị nọc độc và trị bá bệnh. Khoa học không công nhận có chuyện rắn nhã ngọc. Dùng một loại đá như thạch anh lóng lánh có từ trường để chửa bệnh thì có cơ sở khoa học hơn.

 

Một chuyện ngọc rắn được báo chí ngày xưa kể lại, là trong đầu thế kỹ 20, đường hỏa xa xuyên Việt được Pháp xây dựng. Vì đoạn đường quá dài, nên phải chia nhiều đoạn để làm, trong đó đoạn Huế-Đà Nẵng là khó khăn nhất, vì phải đào hầm qua núi, gay go và nguy hiểm, nhất là xuyên qua núi Hải Vân.  Một cai phu lục lộ, trong lúc đi tuần dọc đường rầy, lúc sắp chui vào Hầm Sen thì chợt thấy lấp lóe nhiều tia ánh từ trong hang tối. Ánh sáng này lại nhúc nhích và chuyển động, cai phu liền bật đèn pin rọi thì nhìn thấy luồng ánh sáng đó tỏa ra từ miệng con rắn dài ba thước, đang ngậm một hòn ngọc sáng chói, bò ngang qua đường rầy rồi chui nhanh biến mất trong Hầm Sen. Tình cờ có một ông già đi qua đây, cai phu kể chuyện lại thì được ông già chỉ về cách thức lấy được ngọc rắn. Ông nói dùng một con gà làm mồi nhử, cột nó vào cái rổ lật ngửa, đáy rổ khoét một lỗ tròn vừa một trứng gà lọt qua, rồi đặt cái rổ đó lên trên một thau nước và cột chặt gà, rổ và thau nước lại với nhau, làm thế nào thau không bị lật đổ. Xong rồi, cứ việc ngồi rình đừng để cho rắn thần trông thấy. Cai phu làm đúng như lời tiều phu chỉ bảo. Chờ ít lâu, thấy từ miệng hang một con rắn từ từ bò ra, đánh hơi nhìn tứ phía, rồi bò thẳng tới cái rổ có con gà bên trên và thau nước phía dưới. Con rắn ngóc cổ, vươn mình phóng tới, cắn mạnh vào cổ gà, quấn mình mấy vòng, riết chặt thân gà cho chết trước khi ăn. Tiếng gà kêu vang dậy cả Hầm Sen. Trước khi nuốt gà, con rắn nhã ra viên ngọc vào rổ, rồi viên ngọc lăn qua lỗ rơi xuống thau nước, óng ánh lung linh như có ánh sáng mặt trời. Cai phu lập tức vác gậy đuổi đập con rắn, khiến nó sợ hãi phải bò gấp vào Hầm Sen, chui vào hang biến mất. Và trong lúc hốt hoảng, rắn già bỏ lại viên ngọc quý. Viên ngọc này to bằng trái nhãn, màu thanh thiên, trong sáng tuyệt vời và phát quang trong đêm tối. Nó có công hiệu chữa trị những người bị rắn độc cắn. Chỉ cần áp viên ngọc nơi chỗ rắn cắn là nó hút hết chất độc, hút hết máu đen cho tới khi nào thấy máu hồng chảy ra thì mới rút viên ngọc.

          Một huyền thoại được truyền tụng giải thích một biến cố lịch sử là chuyện con rắn báo thù làm dòng họ Nguyễn Trải bị tru di tam tộc. Huyền thoại kể rằng cha của Nguyễn Trải là Nguyễn Phi Khanh cho học trò phát cỏ trong vườn. Đến đêm, ông nằm mơ thấy một người đàn bà dẫn bầy con tới xin hoãn việc phát cỏ vài ngày để bà có thời gian dời nhà. Đến khi học trò của ông phát cỏ, đập chết một bầy rắn con, lúc đó ông mới hiểu ra ý nghĩa giấc mơ. Đêm đó, lúc ông đọc sách thì có con rắn bò trên xà nhà nhỏ một giọt máu thấm vào chữ "tộc" qua ba lớp giấy. Sự kiện này ứng với việc gia đình Nguyễn Trải bị tru di tam tộc sau này. Theo Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí đời nhà Nguyễn thì con rắn mẹ thành tinh, đầu thai thành nàng Nguyễn Thị Lộ để trả thù. Khi sinh ra, dưới sườn nàng  có vảy.

          Một ngày nọ, Nguyễn Trải gặp một cô gái trẻ đẹp ở Tây Hồ đang bán chiếu gon, bèn làm bài thơ chọc ghẹo:

Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?

Chẳng hay chiếu đã hết hay còn?

Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?

Đã có chồng chưa? Được mấy con?

 

Không ngờ cô gái bán chiếu, chính là Nguyễn Thị Lộ, họa thơ trả lời:

 

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon

Cớ chi ông hỏi hết hay còn?

Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ,

Chồng còn chưa có, hỏi chi con!

 

Bệ thờ nơi xảy ra vụ án Lệ Chi viên


   Cảm mến cả tài lẫn sắc, Nguyễn Trải cưới làm tì thiếp. Bà giúp chồng phụng sự đắc lực vua Lê Thái Tổ. Về già hai ông bà về hưu ở ẩn tại Côn Sơn. Năm 1442, vua Lê Thái Tông, rất háo sắc,  đi tuần ở miền Đông, duyệt binh ở thành Chí Linh (Hải Dương). Nguyễn Trải và Nguyễn Thị Lộ đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, rồi tháp tùng đưa vua về lại Thăng Long. Vào đêm mồng 8 tháng 4, đoàn đến nghỉ đêm ở Lệ Chi Viên (Bắc Ninh). Đêm đó, nhà vua bạo bệnh băng hà. Do thù oán, hoàng hậu Nguyễn Thị Anh xàm tấu là Thị Lộ ám hại vua, triều đình bắt Thị Lộ và Nguyễn Trải. Nguyễn Thị Lộ bị bỏ vào củi sắt dìm xuống sông chết. Bị kết tội đồng mưu, do các quan tham ô từng bị Nguyễn Trải khiển trách trước đây nay xàm tấu, Nguyễn Trải bị kết án tru di tam tộc. Ông và cả ba họ bị xử chém vào ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (19/9/1442).

Mãi đến 22 năm sau, vua Lê Thánh Tông mới xét lại bản án lịch sử Lệ Chi Viên. Vua thấy có nhiều điều hàm hồ, oan ức cho một đại công thần khai quốc, liền truyền hủy bỏ bản án trước kia, truy phục chức cho Nguyễn Trải, và con cháu ông được tìm kiếm và đưa ra làm quan, cấp tư điền để con cháu lo việc tế tự hàng năm.

Một chuyện có thật được ghi trong sử sách: Trần Thủ Độ diệt mãng xà.
Mặc dầu ở tuổi 70, Thái Sư Trần Thủ Độ vẫn giúp vua Trần đi thị sát việc đắp đê Sông Cầu ở Bắc Giang. Thấy chỉ còn một đoạn ngắn nữa là hoàn tất con đê, nhưng dân chúng e ngại không tiến hành thêm, ông bèn hỏi lý do. Dân tường trình là con đê này đi sát núi Nham Bình, nơi có một con mãng xà khổng lồ, lao vun vút như gió, rất hung dữ, ai đi ngang đó đều bị nó vồ ăn thịt, nên dân chúng đều e ngại việc tiến hành đấp đê khu vực đó.

Ông suy nghĩ tìm cách diệt con mãng xà, vừa cứu dân, vừa hoàn tất con đê. Ông quyết định cùng đoàn tùy tùng đến quan sát núi Nham Biền. Đoàn tùy tùng vừa đến mép núi thì bỗng từ đâu một con mãng xà lao nhanh cuốn phanh một cung nữ theo hầu. Cả đoàn khiếp vía. Ông nghĩ loài trăn, cũng giống như rắn, thường thích ăn trứng. Ông ra lệnh mua thật nhiều trứng gà, trứng vịt rồi bí mật bỏ vào những chỗ mãng xà thường xuất hiện.. Ngày hôm sau dân địa phương báo cho biết, số trứng gà, trứng vịt đó đã biến mất. Ông mừng rỡ, thế là có kế hoạch diệt mãng xà. Ông cho mua rất nhiều trứng gà, trứng vịt, rồi sai người mua các chất cực độc như Hoàng nàn, Thạch tín, tán nhỏ, hút bớt lòng trứng rồi bơm bột thuốc độc vào, lại đem bỏ ở chỗ cũ.

Quen ăn, lần này mãng xà lại mò ra, nuốt hết toàn bộ số trứng trộn thuốc độc đó. Con mãng xà trúng độc, cả đêm quằn quại giãy giụa, làm cây cối gãy nát cả một vùng. Sáng hôm sau dân làng ra xem thì mãng xà đã chết hẳn.

Nhớ ơn vị Thái sư thương dân, mưu trí, dân địa phương dựng đền thờ ông. Đó là đền Hương Tảo, tục gọi đền Cáu thuộc xã Hương Tảo, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Tại đền có đôi câu đối ghi lại sự kiện này.

 


Lăng mộ của Thái sư Trần Thủ Độ

 

Cho tới ngày nay, chuyện mảng xà thỉnh thoảng được nhắc nhở. Như chuyện Mảng Xà có thân rắn đầu người xuất hiện ở xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La (Vietnam net ngày 16/3/2011).

          Núi Cấm ở Thất Sơn huyền bí cũng được dân chúng địa phương cho biết là họ thấy hay suýt chết vì mảng xà khỗng lồ thân to bằng khạp đường, dài hơn 10 m (Báo Thanh Niên, ngày 9/12/2012).

          Vùng U Minh là nơi rắn, trăn và mảng xà cư trú nhiều, nên có nhiều huyền thoại, mà báo chí thường ghi. Có lẽ, ai cũng biết chuyện phóng đại hảo huyền do Ba Phi kể.

 

Reading, 1/2013

Nguyễn Thị Kim-Thu