DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Khái niệm về mùa Xuân

Xuân Tân Mão - 1/2011

KHÁI NIỆM VỀ MÙA XUÂN

Trần-Đăng Hồng, PhD

Một năm có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Một điều tôi thường tự hỏi là vùng Sài Gòn và Nam Kỳ Lục tỉnh có Mùa Xuân hay không?

Mùa Xuân chỉ là một khái niệm tương đối, là mùa chuyển tiếp giữa 2 thời kỳ lạnh lẽo của mùa Đông và nóng bức của mùa Hạ hay Hè.

          Theo quan điểm của nông gia, mùa Xuân là mùa cây bắt đầu đâm chồi, nẩy lộc, tăng trưởng mạnh. Ở mỗi vùng địa lý, thảo mộc bắt đầu hồi sinh, tăng trưởng mạnh, nẩy lộc, tạo hoa vào các thời điểm khác nhau, vì vậy mà mùa Xuân cũng thay đổi theo vùng địa lý.

          Cảm giác lạnh hay nóng đối với thời tiết của con người cũng chỉ tương đối, tùy thuộc cá nhân, tùy thuộc giai tầng xã hội, giàu hay nghèo, vì nghèo khó thường đi chung với đói “rét”. Ta không thể dùng một nhiệt độ nào làm chuẩn để phân loại. Dân Esquimo ở Bắc Cực quen sống với nhiệt độ -30° đến -50°C trong mùa Đông, và +10°C trong mùa Hè, nên họ cảm thấy không thoải mái với nhiệt độ trên 15°C. Ngược lại, người Sài Gòn đã “lạnh run” khi nhiệt độ chỉ mới 20°C.

          Theo quan điểm của các nhà khí tượng học, một năm có 4 mùa, mỗi mùa dài 3 tháng bằng nhau, theo đó, tại một địa điểm trên trái đất, 3 tháng mùa Hè có nhiệt độ nóng nhất, và 3 tháng mùa Đông lạnh nhất; mùa Xuân và mùa Thu có nhiệt độ trung gian. Nếu lấy nguyên tháng để phân loại, thì tại Bắc Bán Cầu mùa Xuân gồm các tháng Ba, tháng Tư, tháng Năm; mùa Hạ (hè) gồm tháng Sáu, tháng Bảy, tháng Tám; mùa Thu gồm tháng Chín, tháng Mười, Mười Một, và mùa Đông tháng 12, tháng 1 và tháng Hai. Ở Nam Bán Cầu (như Australia) thì ngược lại, mùa Xuân bắt đầu tháng Chín. Trong thực tế, vì sự khác biệt địa lý giữa các địa điểm theo vĩ tuyến, nên các mùa bắt đầu vào các ngày tháng khác nhau ở những vĩ tuyến khác nhau, nếu phân loại theo nhiệt độ.

          Các nhà thiên văn học dựa trên vị trí trục quay của trái đất đối với mặt trời, lúc nghiên bên này hay bên kia với góc 23° 48’ tạo ra ngày dài ngắn khác nhau theo mùa. Vào ngày Xuân phân (20/3) và Thu phân (22/9) là 2 ngày có thời gian ngày và đêm bằng nhau (12 giờ). Ngày dài nhất trong năm là ngày Hạ Chí (21/6 ở Bắc Bán Cầu, hay 21/12 ở Nam Bán Cầu), và ngày ngắn nhất là ngày Đông Chí (21/12 ở Bắc Bán Cầu và 21/6 ở Nam Bán Cầu). Theo quan điểm của nhà thiên văn học, thì các ngày Xuân phân, Hạ chí, Thu phân và Đông chí là ngày trung điểm của các mùa Xuân, Hạ, Thu và Đông.

          Tuy nhiên, tùy theo văn hóa của mỗi dân tộc, mà ngày bắt đầu của mỗi mùa cũng khác nhau. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ và Anh quốc, cũng như các quốc gia vốn là thuộc địa của Anh, thì ngày 20/3 là ngày bắt đầu của Mùa Xuân. Ở các nước ôn đới khác, dấu hiệu của mùa Xuân có thể đến sớm hơn hay trễ hơn.

          Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông được phân biệt theo tiết trời, tức nhiệt độ. Mùa Hè nóng nhất và mùa Đông lạnh nhất trong năm.

          Tại vùng xích đạo (vĩ tuyến 0), ngày và đêm dài bằng nhau, mặt trời khi trưa lúc nào cũng ở đỉnh đầu (thiên đỉnh), nên nhiệt độ không thay đổi theo mùa, coi như chỉ có một mùa nóng, nếu phân loại theo nhiệt độ. Nếu dựa trên vũ lượng, thì có 2 mùa, mùa khô và mùa mưa.

          Càng xa xích đạo, bốn mùa càng thêm rõ rệt. Chẳng hạn ở Hà Nội (vĩ tuyến 20° Bắc), Xuân, Hạ, Thu, Đông phân biệt khá rõ ràng.

Còn Sài Gòn (vĩ tuyến 10°8 Bắc) và Nam Kỳ Lục Tỉnh (từ vĩ tuyến 8° Bắc đến 11° Bắc) có 4 mùa không?

Bốn mùa chỉ là một khái niệm, một cảm quan tương đối của xúc giác, và thường được thi vị hóa bởi con người. Nếu mùa Hè là mùa nóng nhất trong năm, thì thời gian lạnh liên tục phải là mùa Đông. Ta cũng không thể so sánh cái “cảm giác lạnh” do xúc giác của người Sài Gòn, với “cảm giác lạnh” của người Hà Nội, hay với “cảm giác lạnh” của người Esquimo ở Bắc Cực. Việt kiều gốc Sài Gòn nhưng sống ở xứ lạnh 30- 40 năm cảm thấy rất thoải mái với nhiệt độ 18 – 20°C ở Sài Gòn, trong lúc người Sài Gòn run cầm cập. Dĩ nhiên, thời tiết không nhảy vọt tức khắc từ mùa lạnh sang mùa nóng, mà phải trải qua giai đoạn chuyển tiếp với nhiệt độ trung gian giữa lạnh và nóng, vì vậy có thêm mùa Xuân và mùa Thu.

Bảng 1. Nhiệt độ trung bình (°C) của 94 năm (1987-1981) đo tại Trại Khí Tượng Tân Sơn Nhất Sài Gòn, Vĩ độ 10.8 ° N, 106.70 °E, cao độ 19 m trên mặt biển (1)

Jan    Feb    Mar   Apr   May  Jun    Jul     Aug   Sep    Oct    Nov   Dec    Average Year
26.0   26.9   28.2   29.2   28.6   27.6   27.2    27.3   27.0    26.8   26.4   25.7        27.2


Hình 1. Nhiệt độ tối đa, nhiệt độ trung bình, nhiệt độ tối thiểu (đường màu đỏ), vũ lượng (mm) (trụ xanh) và ẩm độ không khí (%) (hàng dưới cùng) tại Tân Sơn Nhất Sài Gòn (trái) và tại Hà Nội (phải) (2).

          Theo bảng 1, nếu dựa vào phân loại thông thường của các nhà khí tượng, thì nhiệt độ trung bình mùa Xuân (tháng 3, 4, 5) là 28,6°C, mùa hạ (tháng 6, 7, là 27,4°C, mùa Thu (tháng 9, 10, 11) là 26,7°C, và mùa Đông (tháng 12, 1, 2) là 26,2°C. Tháng nóng nhất trong năm xảy ra trong tháng 4 (29,2°C) của mùa Xuân, và tháng lạnh nhất xảy ra trong tháng 12 (25,7°C) của mùa Đông tại Sài Gòn.

Nếu dựa trên nhiệt độ để phân loại, mùa Hạ là mùa có 3 tháng liên tục nóng nhất thì tại Sài Gòn mùa Hạ phải là tháng 3, 4 và 5, và trung điểm mùa Hạ là tháng 4. Còn mùa Đông là 3 tháng lạnh nhất trong năm là tháng 11, 12 và 1, và trung điểm mùa Đông là tháng 12. Nếu chấp nhận phân loại trên thì mùa Xuân của Sài Gòn phải ở trong tháng 2 ngắn ngủi. Phân loại trên thật quá giản dị.


Hình 2. Biến đổi nhiệt độ tối đa (trên), nhiệt độ trung bình (giữa) nhiệt độ tối thiểu (dưới) theo từng ngày bắt đầu từ ngày 1/11/1967 đến 30/10/1968 tại trạm Khí Tượng Tân Sơn Nhất. Nhiệt độ tối đa đo lúc 2 giờ trưa (là lúc nóng nhất, coi như nhiệt độ ban ngày), nhiệt độ tối thiểu đo lúc 6 giờ sáng (lúc lạnh nhất, coi như nhiệt độ ban đêm), nhiệt độ trung bình là trung bình cộng của 2 nhiệt độ trên. Hình này do tác giả thực hiện từ tài liệu (3).

May mắn là chúng ta có chi tiết nhiệt độ từng ngày của từng tháng trong suốt thời gian từ 1/1/1962 đến 27/4/1975 của Nha Khí Tượng Sài Gòn (3).

Để có thể ấn định mùa Xuân, chúng tôi quan sát biến thiên nhiệt độ hàng ngày từ 1/11/1967 đến 31/10/1968 (Hình 2), và vào chi tiết từ tháng 11 đến tháng 5 tức thời gian bao trùm mùa Đông, mùa Xuân và một phần mùa Hè.

Trong tháng 11/1967, nhiệt độ trung bình giảm dần, từ 28.3°C (ngày 8/11) xuống 24,8°C (ngày 10/11) ; nhiệt độ ban ngày giảm từ 33.5°C (ngày 11/11) xuống 25,2°C (ngày 27/11); và nhiệt độ ban đêm giảm từ 25,7°C (ngày 8, 9/11) xuống 21,3°C (ngày 17/11). Nhiệt độ trung bình của nguyên tháng 11 là 27,1°C, trung bình ban ngày là 31,7°C, và trung bình ban đêm là 23,3°C.

Trong tháng 12/1967, có 6 ngày có nhiệt độ trung bình dưới 25°C, đó là các ngày giữa tháng 12. Ban đêm lạnh dưới 20°C gồm 21 đêm, bắt đầu từ ngày 9/12 đến 31/12, đêm lạnh nhất 18,5°C xảy vào rạng sáng ngày 14/12. Nhiệt độ trung bình của nguyên tháng 12 là 23,3°C, trung bình ban ngày là 25,8°C, và trung bình ban đêm là 20,5°C.

Tháng 1/1968, nhiệt độ có chiều hướng gia tăng chút ít, có 5 ngày nhiệt độ trung bình lạnh dưới 25°C, đó là các ngày thuộc thượng tuần tháng 1. Nhiệt độ ban đêm dưới 20°C chỉ có 8 đêm, thuộc 2 tuấn đầu của tháng 1. Bốn đêm lạnh nhất (18,5°C) liên tiếp ở các ngày giữa tháng 1. Nhiệt độ trung bình của nguyên tháng 1/1968 là 26,2°C, trung bình ban ngày là 32,6°C, và trung bình ban đêm là 20,6°C.

Tháng 2/1968, nhiệt độ trung bình đều >25°C. Ba ngày có nhiệt độ trung bình thấp nhất (25,5°C) và 4 đêm trời lạnh nhất (19.1°C) là các ngày thuộc giữa tháng 2. Nhiệt độ trung bình của nguyên tháng 2/1968 là 26,7°C, trung bình ban trưa là 33,5°C, và trung bình ban đêm là 21,0°C.

Tháng 3/1968, nhiệt độ gia tăng nhanh. Nhiệt độ trung bình gia tăng tới 30,2°C, nhiệt độ ban trưa có lúc 38,5°C (ngày 12/3). Nhiệt độ trung bình của nguyên tháng 3/1968 là 28,8°C, trung bình ban trưa là 35,7°C, và trung bình ban đêm là 23,4°C.

Tháng 4/1968 là tháng nóng. Nhiệt độ ban trưa lúc nào cũng >34°C, có lúc >37°C như trong dịp Phục Sinh. Nhiệt độ trung bình của nguyên tháng 4/1968 là 29,3°C, trung bình ban trưa là 35,4°C, và trung bình ban đêm là 25°C.

Tháng 5/1968, nhiệt độ trung bình tăng chút ít, vì nhiệt độ ban đêm gia tăng, mặc dầu nhiệt độ ban trưa không thay đổi mấy so với tháng 4. Trong tháng 5, ngày nào có mưa thì nhiệt độ ban trưa giảm. Nhiệt độ trung bình của nguyên tháng 4/1968 là 30,3°C, trung bình ban trưa là 36,0°C, và trung bình ban đêm là 26,5°C.

Tháng 6, nhiệt độ trung bình và ban trưa giảm nhanh vì ảnh hưởng của mưa nhiều, nhưng nhiệt độ ban đêm cao, 26 -27°C.

Như vậy, tháng 4 và 5 là hai tháng nóng nhất trong năm, nhưng khoảng từ tuần lễ thứ 2 của tháng 4 cho tới cuối tháng 4 là thời gian có nhiệt độ ban trưa cao nhất trong năm, vì trùng với thời gian mặt trời đi qua thiên đỉnh vùng Sài Gòn (khoảng 30/4), và cũng là lúc chưa có mưa.

Dựa theo các dữ kiện trên, thời gian lạnh nhất và liên tục nhiều ngày tại Sài Gòn xảy ra khoảng 15/12, với nhiệt độ trung bình 24,3°C, và nhiệt độ ban đêm 18,5°C.

Vì vậy, ta có thể lấy nhiệt độ đêm 18,5°C là ngày trung điểm của mùa đông (lạnh nhất trong năm) và nhiệt độ ban trưa 37,9°C là trung điểm của mùa hè (nóng nhất).

Nếu dựa vào cảm giác của người dân Sài Gòn thì mùa Đông là thời gian có nhiệt độ ban đêm dưới 20°C, và nhiệt độ trung bình ngày dưới 25°C. Như vậy Mùa Đông 1967-1968 tại Sài Gỏn bắt đầu từ ngày 10/12/1967 đến ngày 20/1/1968, kéo dài khoảng 40 ngày, với những đêm lạnh nhất xảy ra trong giữa tháng 12 (18,5 °C).

Sau thời gian mùa Đông này, nhiệt độ gia tăng.

Nếu lấy nhiệt độ trung bình ngày >27°C, và nhiệt độ ban trưa >30°C làm tiêu chuẩn của mùa Hè Sài Gòn, thì mùa Hè bắt đầu từ khoảng 1/4 đến 2/11, kéo dài khoảng 7 tháng (215 ngày). Thời gian liên tục nóng nhất ở Sài Gòn bắt đầu từ 4/4 đến 20/5, với nhiệt đô trung bình 32,0°C và ban trưa >37°C.

Như vậy mùa Xuân tại Sài Gòn, bắt đầu từ 21/1/1967 đến 31/3/1968, kéo dài khoảng 70 ngày; và mùa Thu từ 3/11/1968 đến 11/12/1978, kéo dài khoảng 40 ngày.

Tết Âm Lịch cổ truyền của Việt Nam, xảy ra trong thời gian từ 20/1 DL đến 19/2 DL, tùy năm nhuần hay không, như vậy Tết nằm trọn trong mùa Xuân của Sài Gòn. Năm không nhuần, Tết thường xảy ra trong tuần cuối tháng 1 và tuần đầu tháng 2 DL (như Tết Tân Mão ngày 3/2/2011). Như vậy dân Nam kỳ Lục Tỉnh và Sài Gòn hàng năm đón chào ngày Tết cũng là lúc chào mừng những ngày đầu của Mùa Xuân.

Ngày Mồng Một Tết Mậu Thân (29/1/1968) là một ngày ấm áp (đêm 21,8°C, ban trưa 34,6°C; trung bình 27,4°C), trời khô ráo (56% ẩm độ không khí), nắng suốt ngày (8 giờ nắng). Đúng là một ngày đầu mùa Xuân lý tưởng để ăn Tết và du xuân trong 3 ngày lễ, nhưng dân Sài Gòn phải núp ẩn trong nhà vì chiến sự.

Đối với Miền Bắc, cuối tháng 4 là những ngày còn trong Mùa Xuân (Đại Thắng Mùa Xuân), nhưng đối với Sài Gòn và Miền Nam là những ngày hè nóng bức nhất. Trong sổ ghi tài liệu khí tượng ngày 27/4/1975 cho biết nhiệt độ ban trưa 36°C, ban đêm oi bức 28,0°C và trời hầm hầm với ẩm độ 70% dấu hiệu sấm chớp của mùa mưa bắt đầu. Ngày này cũng là ngày mặt trời ở thiên đỉnh của vùng Sài Gòn, nên cảm giác nóng bức càng thêm dữ dội. Dân Sài Gòn nhốn nháo tìm nơi mát mẻ cho cuộc đời để ẩn trú.

Trang khí tượng ghi ngày 27/4/1975 là trang cuối cùng của quyển sổ cập nhật chi tiết khí tượng từng ngày suốt từ 1/1/1962 của Nha Khí Tượng Sài Gòn (3).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Source: SAIGON/TANSONNHUT VIETNAM data derived from GHCN Beta. 985 months between 1897 and 1981

2.http://www.google.co.uk/images?hl=en&rlz=1R2RNSN_enGB409&q=vietnam+climate+chart&revid=705775129&wrapid=tlif12943063682681&um=1&ie=UTF-8&source=univ&ei=R4wlTZeRDZGJhQeLgIWfAg&sa=X&oi=image_result_group&ct=title&resnum=2&ved=0CDUQsAQwAQ&biw=1251&bih=713

3. http://www.tutiempo.net/en/Climate/SAIGON_BIEN_HOA/488962.htm

Reading, 1/2011

Trần-Đăng Hồng