Lời ru của mẹ
Lên mạng ngày 14/1/2009LỜI RU CỦA MẸ
Ðố ai nằm võng không đưa
Ru con không hát, đò đưa không chèo
Vào những buổi trưa hè nóng bức, cảnh vật miền thôn dả trở nên im lìm. Con chó nằm gát đầu lên ngạch cửa sau, đưa mủi hỉnh cái không khí mát dịu, thoang thoáng mùi hương thơm của hàng bưởi, hàng cau đang trổ bông ngoài vườn. Con gà mẹ tục tục kêu gọi bầy gà con đến nằm vây quanh gốc chuối tìm hơi mát. Đàn vịt rút cổ nằm bất động trên mặt ao. Trong nhà, thỉnh thoảng đứa bé khóc oe oe không ngủ được. Tiếng vỏng đu đưa kẻo kẹt, tiếng mẹ hát ru êm ả “Ầu ơ..” cố đưa con mình vào giấc ngủ dể dàng. Câu hát ru trẻ con ở miền Lục tỉnh Nam Bộ là những câu ca dao giản dị, dể nhớ, có vần êm dịu để dễ ru “ầu ơ” của điệu ru miền nam. Điệu ru hát trẻ con ở miền nam hoàn toàn khác hẳn với điệu hát ru con của miền bắc, nhưng tương tự na ná với điệu hát ru con của miền Trung. Điều này không làm ngạc nhiên, vì người dân bản xứ của Miền Nam là con cháu từ nhiều đời của đám di dân từ miền Trung, phía nam sông Gianh, từ thời chúa Nguyễn. Người phụ nử miền Trung theo cha, theo chồng vào định cư ở miền Nam mang theo vốn liếng văn hóa chứa chan tình cảm chân thành thâu nhận được từ tiếng ru của mẹ hiền thời ấu thơ. Cũng như ở mọi miền đất nước, đề tài bài ru con rất phong phú, đa dạng, từ những tình cảm riêng tư chan chứa tình mẩu tử, tình yêu lứa đôi, nhớ nhung quê mẹ, hay tâm sự riêng, cuộc đời đen bạc của mình. Hơn thế nữa, lời ru con của mẹ ở Miền Nam còn mô tả những khó khăn hiểm nguy của những ngày tháng đầu mà người di dân phải gặp ở vùng đất mới, nhưng đầy hứa hẹn, vùng của tự do, phóng túng và trù phú.
Đến lập nghiệp ở nơi phong thổ khác biệt, sông rạch chằn chịt, giao thông cách trở, người di dân phải tranh đấu với thiên nhiên, với hùm beo rắn rết, cá sấu, v.v. đầy hiểm nguy:
Ầu ơ
Tới đây non nước lạ lùng
Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh.
Ầu ơ
U Minh, Rạch Giá, thị quá sơn trường
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua
Ầu ơ
Bạc Liêu là xứ cơ cầu
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu
Ầu ơ
Em theo anh về xứ Cạnh Đền,
Muổi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh,
Ầu ơ
Em yêu anh nên đành xa xứ
Xuôi ghe chèo miệt thứ Cà Mau.
Còn chàng trai đi tìm đất hứa, cũng xót xa cắt ruột ra đi, lòng thầm nhớ người yêu khi qua những vùng sơn lâm chướng khí:
Ầu ơ
Đường đi Rạch Giá, thị quá sơn trường
Gió rung bông sậy, dạ buồn nhớ em
Ầu ơ
Ai về Giồng Dứa qua truông
Gió đưa bông sậy, dạ buồn nhớ ai
(Giồng Dứa ở Tiền Giang)
Miền Nam khí hậu ôn hòa, không bảo tố như quê tổ Miền Trung. Tuy nhiên, một trận bảo năm Giáp Thìn (ngày 16/3/1904), gây tổn thất nhiều từ vùng biển cho tới Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc. Riêng tại Gò Công hơn 5000 người chết. Người dân Nam Bộ không quên trận bảo này, truyền tụng đời đời qua tiếng hát ru con:
Ầu ơ
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi
Ầu ơ
Năm Thìn, trời bão thình lình,
Kẻ trôi, người nổi, hai đứa mình còn đây
Ầu ơ
Gặp anh đây mới biết anh còn
Hồi năm Thìn bão lụt, em khóc mòn con ngươi!
Ngày xưa, khi chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu ở miền nam, có hứa với quân sỉ là khi nào thu đoạt lại giang sơn sẽ cho trở về quê quán làm ăn. Nhưng chiến chinh cứ kéo dài, tương lai đoàn tụ mờ mịt, người chinh phụ ngày ngày, qua bao mùa mù u chín rụng, ra nhìn dòng sông Cửu Long ngóng trông ghe chàng về, nhưng dòng sông mênh mông, với rừng xanh chập chùng mà lòng ngao ngán:
Ầu ơ
Ra đi em một ngó chừng
Ngó sông sông rộng, ngó rừng rừng cao
Và thiếu phụ mòn mỏi ngóng tin người thân yêu:
Nước ròng chảy thấu Nam Vang
Mù u chín rụng sao chàng bặt tin
Ngoài những khó khăn nơi đất lạ lúc ban đầu, không ai không chạnh nhớ quê hương, nhớ cha mẹ già còn nơi quê củ, nhất là người ra đi xa biệt xứ, xa cách muôn trùng:
Chiều chiều ra đứng ngỏ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
và
Ầu ơi
Lâm râm khấn vái phật trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Và ước ao được sống gần cha mẹ già để phụng dưởng:
Ầu ơ
Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con
Nhưng Miền Nam là vùng đất hứa, ruộng đất hoang vu còn bao la chưa khai phá, tôm cá đầy đồng:
Bao phen quạ nói với diều
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm
Gió đưa gió đẩy, về rẩy ăn còng
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua
Miền Tây ngày xưa tựu chung có 2 vùng phong cảnh và kinh tế: “Miệt Thứ” là vùng còn nê địa, đầm lầy của vùng U Minh, Cà Mau, nơi mà “muổi kêu như sáo thồi, đĩa lội như bánh canh”, và “Miệt Vườn” gồm vùng đất cao, “đất giồng” bên bờ sông Hậu sông Tiền, dân cư lập nghiệp lâu đời, có vườn tược xanh tốt, có thị tứ đông người, nơi mà:
Gà nào hay băng gà Cao Lảnh
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân
Hay:
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về...
Với những đặc sản Miền Nam:
Xoài riêng, măng cụt Cái Mơn
Nghêu sò Cồn lợi, thuốc ngon Mỏ Cày
Cam sành vú sửa Trung Lương,
Dừa xanh, dừa nước, quít đường Ba Tri
Vùng Cửu Long ruộng đồng “cò bay thẳng cánh”, gạo thóc dư thừa:
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh có thương em thì cho bạc cho tiền
Đừng cho lúa gạo...xóm giềng cười chê...
Ở những thế hệ sau, đứa con gái “Miệt Vườn” bên bờ sông Hậu, sông Tiền cũng đâu muốn lấy chồng xa Miệt Thứ, mượn tiếng hát ru em để tỏ cùng cha mẹ:
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú, biết nhà má đâu
Cô gái “Miệt Thứ” ước mơ được về làm dâu “Miệt Vườn”:
Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh
Thương anh cũng muốn theo anh
Ngặt cha với mẹ không đành thì sao?
Còn trai các tỉnh cũng mơ ước gái Miệt Vườn
Đồng Nai, Châu Đốc, Định Tường
Lòng anh sở mộ con gái vườn mà thôi
Còn cô thiếu nử “Miệt Vườn” thì ao ước sánh duyên cùng chàng trai có ăn học vùng thủ đô Sài Gòn Gia Định:
Chiều chiều lại nhớ buổi chiều
Nhớ người áo trắng khăn điều vắt vai
Ghe ai đỏ mủi xanh lường
Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em?
Không phải lúc nào cô gái “Miệt Vườn” cũng tìm được ý trung nhân:
Chim quyên hút nhụy bông quỳ
Trời nam Lục Tỉnh thiếu gì gái khôn
Con gái khôn lấy nhằm chồng dại
Bứt bông hoa lài cậm bải cứt trâu
Nên khi gặp chàng trai cô gái vườn đặt yêu sách:
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ
Còn nếu gặp phải chàng đã có vợ:
Mịp mịp mây bay khói tỏa
Em ngồi trông anh mây rã từng chòm
Anh ơi anh có vợ rồi
Lấy tay che mắt đừng dòm tới em
Nhưng tuổi xuân đâu mải kéo dài, nàng phân vân:
Ầu ơ
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình
Nhưng đã lở thương rồi:
Ầu ơ
Tay bưng dĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng nhớ thương
Có lúc tự trách mình:
Tưởng giếng sâu, em nối sợi dây dài
Ai dè giếng cạn tiếc hoài sợi giây
Miền Nam chằng chịt sông rạch, từ xóm này qua xóm kia phải qua nhiều cầu, ngày xưa phần nhiều làm bằng tre hay ván gổ dừa. Dầu khó khăn đi lại, nhưng quyết tâm cho con cái nên người:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời
Mẹ ơi!
Ngày còn sơ sanh, con chưa biết nghe tiếng ru của mẹ, nhưng con hiểu rằng nhờ giọng ru của Mẹ đầy truyền cảm, với bàn tay âu yếm, con đã lớn lên trong tình thương và đầy hy sinh của Mẹ. Rồi tuổi lớn hơn, khi bắt đầu có trí nhớ, con tung tăng chạy bên Mẹ trên đường đi học, mẹ bồng con qua cây cầu khỉ đong đưa … Mẹ đã một đời hy sinh cho con được khôn lớn đến bây giờ.
Ầu ơ
Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ
…
Giờ đây, sau hơn 60 năm, con đã có con, có cháu. Như Mẹ, con cũng đã ru con ru cháu với những bài ru của Mẹ và Ngoại dạy ngày xưa, với hy vọng lời ru của con sẽ truyền vào trí nảo thế hệ con cháu giòng máu Việt biết nhớ cội nguồn.
Tôi yêu tiếng nước tôi
Từ khi mới ra đời
Lời mẹ ru những câu xa vời, ….
(Nhạc “Tình Ca” của Phạm Duy)
Mẹ ơi! Con nhớ Mẹ
Anh Quốc, những ngày cận Tết (Tháng 1/2009)
Nguyễn Thị Kim Thu