DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Mối tình câm

 
28/11/2012


 MỐI TÌNH CÂM

Nguyễn Thị Kim-Thu

 

  
Trời nắng chang chang, không một cơn gió. Dưới tàng cây trứng cá rợp bóng, Tư-Cà-Nhắc tháo bánh xe sau, để nằm trên tấm nhựa, rồi cẩn thận dùng búa đóng nhẹ cây đinh để mở cái “líp”. Sáng nay, một khách hàng quen thuộc gởi anh chiếc xe bị trật “con chó” để sửa và hẹn xế nay sẽ ghé lấy xe. Trời thật oi bức, vừa chăm chú chỉnh lại “con chó” mới cho đúng vị trí cọng thép bật, thoa mở bò rồi ráp lại “líp”. Anh thử xoay qua xoay lại cái “líp” nhiều lần để xem “con chó” đã ăn mấu chưa. Anh hài lòng, lấy cánh tay quơ lên trán lau mồ hôi nhể nhại. Mắt anh bỗng sáng lên, quên cả mệt nhọc. Xa xa hình bóng Nga đang đạp xe về nhà từ trường học. Nhà Nga cũng kế cận ngả ba, nơi có cây trứng cá làm nơi Tư-Cà-Nhắc sửa xe. Nga xuống xe ngay từ cây trứng cá, dắt xe đạp vào lối nhỏ dẫn đến nhà.



(Ảnh chỉ minh họa)


     
- Hôm nay xe đạp có tốt không Nga? Nếu có vấn đề gì thì cho anh biết liền để sửa ngay vì còn đi học buổi chiều.  

      - Cám ơn anh Tư, xe tốt lắm, không sao cả. Anh vừa mới sửa có mấy ngày mà!

Nga dắt xe vào ngỏ và Tư-Cà-Nhắc nhìn theo cho đến khi nàng khuất dạng trong nhà. Rồi anh tiếp tục công việc, miệng huýt gió, thật sung sướng. Đôi khí, anh khe khẽ hát vài câu vọng cổ tình tứ. Rồi sau đó khoảng một giờ đồng hồ, anh liếc xem chiếc đồng hồ đặt trên kệ dụng cụ để chờ chào đón Nga dẫn xe ra khỏi nhà đi học buổi chiều.

-Học giỏi chiều nay nghe Nga. Anh tươi cười chào đón

-Cám ơn anh, lúc nào em cũng thuộc bài mà.

Anh nhìn theo nàng đạp xe đi học cho tới khi khuất dạng. Anh lại chăm chỉ tiếp tục công việc, miệng hát nghêu ngao nho nhỏ vừa đủ một mình nghe, trong khi chờ đón Nga đi học về chiều nay.

-Trưa nay trời nắng và nóng quá, mệt lắm không Nga? Anh săn sóc hỏi khi nàng vừa xuống xe ở đầu ngỏ.

-Dạ, cũng mệt chút đỉnh, nhưng không sao? Anh Tư hôm nay chắc có nhiều khách hàng sửa xe lắm phải không?

- Cám ơn Nga. Hôm nay cũng có nhiều khách, toàn người quen không hà. Anh cũng sửa xong hết rồi, chờ khách đến lấy để còn về nhà. Anh trả lời.

Đó là câu đối đáp hàng ngày giữa hai người bạn láng giềng.

Nhà của Tư-Cà-Nhắc ở cuối xóm, nằm trên bờ sông Cái Răng. Đó là khu dân mới đến định cư do chiến sự ở vùng quê. Nghe nói cha mẹ của Tư-Cà-Nhắc trước đây cũng là một trung nông khá giả, ở miệt Sua Đũa, nhà có mấy mẩu ruộng lúa, và mấy công vườn cây trái khá tốt có lợi tức cao. Chiến sự tràn lan, hai ông bà bỏ ruộng vườn đến tạm cư trú ở bờ sông Cái Răng cùng với nhiều gia đình khác. Ông thì đi làm nghề hớt tóc dạo. Bà thì thỉnh thoảng liều mạng chèo ghe về làng để hái trái cây trong vườn hoang nhà mình mang ra chợ bán. Vì không ai chăm sóc, vườn tược trở thành hoang phế, càng ngày càng ít lợi tức. Tư-Cà-Nhắc là con trai độc nhất sống cùng ông bà, còn hai cô gái lớn đã có chồng ở làng xa, thỉnh thoảng mới về thăm.

Từ còn nhỏ, anh bị bệnh sốt tê liệt, nên có một chân teo khẳng khiêu, đi cà nhắc, nên anh bị mang biệt danh “Tư Cà-nhắc”. Vì hoàn cảnh cha mẹ già bỏ làng mạc tản cư ra chốn thị thành, cuộc sống cơ cực, anh đành bỏ dở việc học đang ở lớp đệ tứ trường Phan Thanh Giản. Vì tật nguyền và là con trai độc nhất, anh được miển quân dịch. Anh phải có một nghề để sinh sống, giúp cha mẹ già.

Thoạt tiên, để học nghề, anh xin làm công ở một tiệm sửa xe đạp khá lớn ngoài phố Cần Thơ. Nhờ thông minh, và có chủ ý, chỉ hai tháng sau anh đã rành rẻ việc sửa xe, ráp xe, thay phụ tùng mới, sơn sườn xe, canh tân xe củ thành xe mới, v.v.

Thế là anh mở một sập nhỏ sửa xe đạp tại Ngả Ba đi Cái Răng, với tấm lều vải nhà binh căng dưới bóng cây trứng cá. Anh rất tháo vát, hoạt bát và lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. Ai ai cũng thương tình, nhờ anh sửa cái này, thay bộ phận nọ. Những chuyện lặt vặt như siết lại dây thắng, căng lại dây sên, hay bôm bánh xe, anh không lấy tiền công. Anh có sáng kiến mua lại xe củ mà người ta đã vứt bỏ. Có nhiều người cho không xe phế thải. Anh tháo bộ phận của chiếc xe này để ráp vào sườn xe kia, sơn lại, canh tân thành một xe khá tốt. Rồi anh sửa luôn cả xe lôi, vì xóm này vốn là xóm lao động nên có tới hàng mấy chục chiếc xe lôi. Nhờ vậy, công việc làm ăn của anh phát đạt. Anh bận rộn suốt ngày.

Cũng từ ngày mở sập sửa xe đạp, anh để ý đến Nga, cô học sinh Đoàn Thị Điểm học sau anh 3 lớp. Nhà Nga ở ngay Ngả Ba, nơi sập sửa xe của anh. Anh chỉ để ý, chứ không dám tỏ tình. Vì anh biết thân phận tật nguyền, không dám đèo bồng để tự vuốt cái khổ, cái nhục. “Bị cự tuyệt là cái chắc”, anh thầm nghĩ như vậy. Nhưng có ai cấm được trái tim của anh. Hàng ngày, từ sáng sớm anh trông ngóng Nga mở cổng dắt xe đi học, tới trưa anh mong đợi nàng cởi xe trở về, rồi xế nàng đắt xe đi học lại, để chiều anh ngong ngóng đón nàng về. Chỉ có vậy.

Ngày tháng chầm chậm trôi qua, cho tới một ngày Nga lên xe hoa với một anh Trung Úy. Bề ngoài, anh tỏ vẻ hân hoan chia mừng cùng cô dâu chú rễ, nhưng lòng anh đau xót vô cùng. Anh buồn tủi cho số phận tật nguyền. Nếu không tật nguyền, biết đâu… Nga theo chồng trong cuộc đời quân ngũ.

Công việc làm ăn của anh càng ngày càng khắm khá, bây giờ anh sửa luôn cả xe gắn máy, xe Honda mà anh đã cố công tự học, hay học lóm, quan sát từ các tiệm xe gắn máy. Nhờ thông minh, cần cù, quyết tâm, từ một sập sửa xe đạp nghèo nàn, nay anh làm chủ một căn nhà, cũng ngay tại Ngả Ba, làm nơi vừa sửa xe đạp,  xe gắn máy và bán phụ tùng, v.v.

Biến cố 1975 xảy ra. Nga dẫn hai con nhỏ trở về nương tựa cha mẹ ruột, vì chồng nàng phải đi “học tập” dài hạn ở chốn xa. Ai ai cũng gặp khó khăn trong cuộc sống. Để sống còn, buổi sáng Nga bán xôi điểm tâm ở ngay Ngã Ba trước mặt nhà, kế bên tiệm sửa xe của anh. Rồi Nga  còn phải bươi chải đủ thứ để nuôi con, và đi thăm nuôi chồng.

Cảm thông hoàn cảnh khó khăn của  Nga, anh Tư-Cà-Nhắc âm thầm giúp đỡ gia đình nàng. Mỗi lần Nga đi thăm chồng, anh đều gởi biếu thuốc men và thực phẩm. Anh chăm lo hai con của Nga trong việc học hành, anh cũng giúp đỡ hai ông bà thân sinh của nàng nay đã già. Anh giúp đỡ Nga với tư cách của một người anh, thật trong sáng và cao thượng.

Sau thời gian “học tập”, chồng nàng được thả ra, về nhà thất nghiệp. Anh Tư giúp bằng cách nhờ chồng nàng phụ việc trông coi tiệm sửa xe, cho đến ngày gia đình Nga qua Mỹ trong diện HO.



    Sau khi có cuộc sống ổn định ở Mỹ, vợ chồng Nga nhớ ơn anh, gởi tiền và quà về biếu anh, nhưng anh chỉ nhận chút ít tượng trưng, phần lớn anh đưa lại ông bà thân sinh của Nga.

Em trai tôi vốn thân với Tư-Cà-Nhắc. Biết mối tình câm của anh, em tôi hỏi “Tại sao lúc trước mày không tỏ tình với nàng?”. Anh trả lời “Bởi vì tao có mặc cảm của kẻ tật nguyền. Tao cũng biết là nàng có cảm tình với tao, nhưng chuyện có lấy tao hay không thì là chuyện khác, có thể ngoài tầm tay. Tốt hơn là tao giữ mối tình câm. Tao cảm thấy sung sướng hơn với quyết định này”.

 

 


(ảnh chỉ minh họa bài viết)


 Reading, Mùa Thu 2012

 Nguyễn Thị Kim-Thu