Một chuyện tình buồn
Lên mạng ngày 15/9/2011
MỘT CHUYỆN TÌNH BUỒN
Nguyễn Thị Kim-Thu Bông Tra (Thespesia populnea)
Tháng Bảy, vào mùa mưa. Dòng rạch đầy ấp nước đục ngầu phù sa, chạy thẳng tấp tới mút chân trời. Hai bên bờ mọc đầy lau sậy, cây bần, bình bát, ô rô, xen kẻ với hàng bông tra xanh ngát điễm những bông vàng tươi mới nỡ chen chúc với bông đỏ dợt sắp tàn. Mùa bông tra nỡ rộ. Những con bìm bịp đơn côi bay kêu áo não, báo hiệu con nước đang dâng lớn, chảy ngược từ sông cái vào rạch đến ruộng đồng. Bìm bịp đang gọi bầy báo nhau tới giờ đi tìm mồi lúc nước đang lên, là lúc rắn mẹ rắn con bò lên cành cao tránh nước.
Bông tra rạng rở màu vàng
Nghe con bìm bịp nước tràn mà thương …
Chiếc đò máy đưa chị em tôi vào vùng Sua Đủa để thăm mộ tỗ tiên bên ngoại. Càng xa chợ Cái Tắc , phong cảnh càng thêm hoang dã, nhà cửa xác xơ, nghèo nàn, ẫn hiện đàng sau hàng cây xanh. Thỉnh thoãng cũng có một vài căn nhà đúc mới xây thật hoành tráng, có tường cao bao quanh, với khu vườn rộng trang hoàng cây kiễng thấp thoáng đàng sau cổng sắt có cọc nhọn cao vút. Nhưng đa số chung quanh là những căn nhà tôn, nhà lá lụp xụp, xiêu vẹo, trong mảnh vườn nhỏ, cây cối vàng vọt vì ngập nước.
Sau khi viếng xong khu mộ, chúng tôi ghé vào nhà Ông Bà Tư để rữa chân, nghĩ mát, và cho ông bà tiền với quà cáp. Tổ tiên bên ngoại tôi sống ở Cái Tắc. Gốc người Triều Châu chạy nạn bên Tàu đến vùng này lập nghiệp từ bao đời, đến đời Ông Cố và Ông Ngoại tôi thì thành đại điền chủ, ruộng đất bạt ngàn. Ông bà Cố chọn một mảnh đất cao ráo ở vùng Sua Đủa hoang vu làm nghĩa địa gia đình, vì ông bà Cố tin theo phong thủy ở cuộc đất tốt này. Vì chiến tranh xảy ra từ 1945, cả dòng họ bỏ Cái Tắc bất an về định cư ở Cần Thơ hay Sài Gòn. Khu nghĩa địa bỏ hoang phế trong suốt 45 năm, không con cháu nào dám về thăm mộ, huống chi chăm sóc. Cho mãi tới khoảng 1990, các em tôi cùng với các anh em bên Cậu Dì mới bắt đầu về thăm, mướn người dọn dẹp cây cối mọc hoang như rừng, sửa sang, quét sơn, sửa lại đường đi, và mướn người trông nom, chăm sóc. Ông Bà Tư, vốn là tá điền thời ông bà ngoại, sống gần khu nghĩa địa, nên chúng tôi nhờ ông bà trông nom.
Sau khi chúng tôi vào nhà một lát thì Ông Tư về. Ông vừa đi đưa đám ma đứa con nuôi của Ông Tám, một bạn già của ông trong xóm. Sau lời thăm hỏi, ông bà lần lượt thay phiên kễ cho chị em tôi nghe cái chết của một thanh niên và một chuyện tình nghèo thật buồn thảm.
Thằng Xỉnh được sinh ra đời trong một gia đình nghèo. Cha mẹ nó trước kia được thừa kế 2 mẫu ruộng tốt từ Ông Nội của nó, nên sống tương đối khá giã trong làng xóm. Nhưng sau này, bị chiếm mất ruộng, cha nó buồn rầu, uống rượu tiêu sầu, say xỉnh cả ngày, nên khi sanh nó, mọi người trong xóm gọi nó là thằng Xỉnh. Nó cũng không cần cải chính với tên thiệt trên giấy khai sanh làm gì. Rồi cha nó bị bịnh gan chết khi nó mới 5 tuổi. Mẹ nó nuôi cho đi học cho tới 10 tuổi thì mẹ cũng qua đời vì bệnh. Nó bơ vơ lạc lỏng. Không bà con, thân thích để nương tựa. Ông Tám cùng xóm thương tình đem về nuôi. Ông cũng nghèo, sống một mình, trong căn nhà lá xiêu vẹo bên bờ sông. Ông sống bằng nghề chăn vịt đàn chạy đồng.
Ngày xưa, khi còn trai trẻ và vợ còn sống, ông chăn đàn vịt tới 3000-4000 con. Hai ông bà có khi sống xa nhà cả 2-3 tháng vào mùa gặt lúa, sống đời du mục, hành trang gồm tấm vải bạt dùng làm chòi tạm bợ, một lưới dài vài ba trăm mét làm chuồng, một ít nồi đất đặt trên một chiếc xuồng nhỏ, lùa đàn vịt khi dưới sông rạch khi trên cánh đồng còn trơ rạ. Nay đây mai đó, đến cánh đồng nào vừa mới gặt xong, thả vịt ăn vài ngày, rồi chăn đến cánh đồng khác.
Nay tuổi đã lớn, sức khỏe suy giảm, vợ mất, lại không con cái, ông cảm thấy mõi mệt khi thức khuya dậy sớm để chăn đàn vịt đi ăn xa, và ban đêm phải canh giữ trộm hay chồn đến phá, vì vậy ông phải giảm đàn vịt chỉ còn khoảng hơn 500 con để lấy trứng bán. Sống cô đơn, ông nhận thằng Xỉnh về nuôi làm dưỡng tử, đễ có người hũ hĩ khi đi chăn vịt, và phòng lúc tuổi già có người chăm sóc. Thằng Xỉnh, bấy giờ đã 10 tuổi, cũng có thể phụ giúp ông ít chuyện vặt. Ông cho nó ăn, nhưng không có đủ tiền cho đi học. Hàng ngày nó theo ông đi chăn vịt. Hai cha con ra qui ước là hễ vịt đẻ ban ngày ngoài đồng thì ông cho nó, còn đẻ ban đêm trong chuồng thì thuộc của ông. Tới ngày bán trứng, ông giao nó phần tiền trứng đẻ ban ngày, còn ông giữ phần tiền kia mua gạo mắm muối cho 2 miệng ăn, và dành tiền mua vịt con cho mùa vịt năm tới. Thằng Xỉnh cũng không tiêu xài gì, chỉ mua ít áo quần lành lặn, và giữ tiền làm của, theo lời khuyên của Ông Tám. Càng lớn nó càng khỏe mạnh, cao lớn, và theo tuổi ông Tám cho gia tăng đàn vịt. Năm lên 18 tuổi một mình nó đi chăn đàn vịt trên 2000 con. Cô đơn một mình trên sông rạch ruộng đồng, không có ai giao du trò chuyện, ngoài đàn vịt, nó chỉ biết mơ mộng, ca vọng cỗ hay hò một mình cho đở buồn. Nó mơ ước…
Một trưa nọ, nằm nghĩ trưa trên chiếc ghe đậu dưới bóng mát hàng cây tra um tùm mọc dựa bờ rạch điểm những bông tra vàng rực rỡ. Nó nỗi hứng cất tiếng hò một mình:
Hò ơ… Ai đi đường ấy hỡi ai
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
Tìm em như thể tìm chim
Hò ơ…Chim ăn biển Bắc đi tìm biển Đông
Hò ơ…
Tìm biển cạn thấy đàn chim bay
Hôm qua là chín hôm nay là mười. Hò ơ…
Tìm em đã mướt mồ hôi,
Lại đứt nút áo lại rơi khăn đầu
Tìm em chẳng thấy em đâu,
Lội sông thì ướt quanh cầu thì xa
Hò ơ…
Có nghe nín lặng mà nghe,
Những lời anh nói như se vào lòng.
Hò ơ…
Tưởng hò hát một mình cho đở hiu quạnh, lại không ngờ có tiếng con gái hò đáp từ xa:
Hò ơ…
Tìm anh như thể tìm chim
Chim bay biển bắc, em tìm biển Nam ..
Hò ơ…
Con chim phượng hoàng bay ngang biển Bắc
Con cá ngư ông mong nước ngoài khơi
Gặp nhau đây xin phân tỏ đôi lời
Kẻo mai con cá về sông vịnh
Con chim nọ đổi dời non Nam
Quá bất ngờ, nó ngồi chồm dậy thì thấy con Hằng ở cuối xóm đang chèo ghe trên rạch. Nó vội hò tiếp theo:
Hò ơ…
Song le còn chút ngại ngùng
Biết rằng cha mẹ thương cùng cho chăng?
Nẻo xa thấp thoáng bóng trăng
Cũng mong nhờ gió cát đằng đưa dây
Xa xôi dẫu mấy lần mây
Để cho duyên hiệp đó đây cho gần.
Hò ơ…
Thế là từ đó hai đứa quen nhau, xế trưa nào cũng hẹn nhau dưới rặng bông tra.
Con Hằng cũng 18 tuổi, con ông bà Sáu ở cuối xóm. Nó là chị lớn với 5 đứa em. Tuy gia đình nghèo nhưng ông bà Sáu là người có tư cách, trong xóm ai cũng nễ trọng. Vì nhà nghèo, lại là chị Hai, nó chỉ được đi học tới lớp ba, biết đọc biết viết, thì ở nhà phụ giúp cha mẹ. Ở nhà nó nuôi heo, ngày mùa đi cấy, làm cỏ mướn, gặt lúa. Ngoài vụ mùa, đi rọc lá chuối, hái rau hoang mọc dọc mé rạch, bán cho bạn hàng. Nó cũng lặn bắt ốc, mò hến, mò cũ năng, trái ấu trong rạch, đầm sình lầy. Mùa nước nỗi thì đi xúc tép bạc, cá bống trứng trong đám rễ lục bình. Nó làm đủ thứ để giúp cha mẹ nuôi đàn em đi học. Con Hằng cũng thuộc loại gái quê khá đẹp, có duyên, ăn nói dễ thương, tính tình thuộc nhà nề nếp. Chỉ có một tội, là nhà nghèo, làm ăn lam lũ dưới nắng mưa suốt năm tháng, nên nước da tay chân rạm nắng, ăn phèn, nhưng mặt vẫn ửng hồng nhờ đội nón và choàng khăn khi làm việc.
Ông Tư kễ chuyện hư tật xấu cũng tiêm nhiểm đến tận làng quê. Một số con trai con gái vốn không ăn học bỏ làng quê ra thành thị làm đủ nghề. Có lúc có những bà mối ăn mặc lòe loẹt, mang vàng nặng trĩu trên cỗ trên tay, vào thôn xóm dụ dỗ gái quê ra thành phố làm cà phê ôm, bia ôm, bán ba, hay lấy chồng Đài Loan, v.v. Một lần một bà như thế đến xóm, ông Sáu vác dao đang chẽ tre, đứng chống nạnh đầu xóm, chỉ mặt bà này: “Tụi bay mà còn lãng vãng đến xóm này dụ dỗ gái quê, thì hãy coi cái này”. Ông dơ dao phát một cái phụp vào thân chuối kế bên đứt làm đôi. Bà ta vội chạy te te, và từ đó không còn bà nào dám bén mảng về xóm ông.
Thằng Xỉnh và con Hằng thương nhau, trưa nào cũng hẹn nhau đưới rặng cây tra để đở nhớ và nói chuyện tương lai. Ông Tám và Ông bà Sáu cũng đồng ý cho hai đứa. Thằng Xỉnh nói rằng nó sẽ bỏ nghề đi chăn vịt chạy đồng, vì mấy năm nay vịt bị bịnh toi (bịnh toi H5N1), có đêm chết hàng vài chục con. Nó tường trình lên xã thì cán bộ bảo phải giết hết đàn vịt. Nó hoảng hồn, giết hết thì lấy gì mà sống. Vì vậy, với sự đồng ý của ông Tám, nó bán bớt những con vịt không đẻ trứng hay ốm yếu, chỉ còn 500 con, và không cho ăn chạy trên đồng mà ăn trên sông rạch. Và để tránh con mắt khám xét của cán bộ cấp xã lúc nào cũng hoạnh họe bảo giết hết vịt trong mùa toi, nó lùa vịt ăn xa trong các con kinh rạch hẽo lánh, không ai qua lại. Nó nói là sẽ chuyễn nghề qua nuôi cá, và con Hằng sẽ nuôi heo sau khi hai đứa lấy nhau. Để thuyết phục con Hằng, thằng Xỉnh dựa vào câu nói của ông bà “ Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt ”. Nó nói là sẽ bán đàn vịt, chĩ giữ trăm con nuôi trong khung lưới dưới rạch trước nhà để lấy trứng chi tiêu hàng ngày và tránh được bịnh theo như khuyến cáo của cán bộ khuyến nông. Nó tự đào ao trong mảnh vườn 2 công đất của Ông Tám, từ từ biến vườn thành ao cá, lấy tiền bán vịt mua cá giống về nuôi theo chỉ dẫn của cán bộ khuyến nông. Còn con Hằng sẽ nuôi heo nái giống theo sách vỡ. Rồi chúng nó sẽ có cơ ngơi, không thua gì các cán bộ ở thôn ấp, nhưng với bàn tay và sức lao động của hai đứa. Hàng ngày, hai đứa bàn chuyện tương lai đầy mộng đẹp. Hai đứa sẽ nuôi ông Tám cho tới cuối đời đễ trả ơn, và ông bà Sáu cũng sẽ sung sướng đỡ cực khỗ lúc tuổi già.
Cách đây mấy ngày, mùa nước nỗi, bông tra vàng rạng rỡ mương rạch. Đang lúc chờ con Hằng đến hẹn, và đàn vịt lặn ngụp tìm mồi dưới rạch thì một chiếc ca nô chạy lướt nhanh qua, tạo sóng lớn, tiếng máy nỗ ầm ầm, không biết của ai, chỉ thấy có mấy người ngồi trên đó ăn mặc thễ thao sang trọng, tay cầm súng, có lẽ họ đi bắn le le vịt nước tiêu khiễn. Đàn vịt hoảng hồn, chạy tán loạn, trốn ẫn trong các lùm cây. Thế là thằng Xỉnh phải lặn lội đi tìm vịt lạc ở các bụi bờ rậm rạp, sau đó con Hằng đến cũng phụ giúp đi tìm. Thình lình con Hằng nghe thằng Xỉnh la cứu “Hằng ơi, mau lại cứu anh. Anh bị rắn mái gầm cắn”. Nước đang lớn, rắn leo lũng lẳn trên cây. Không may cho nó, bị một con rắn độc mỗ vào tay, khi nó quơ cành cây rậm tìm vịt trốn. Con Hằng, vốn biết rắn độc, vội lấy khăn đội đầu buộc chặc vào bắp tay, bắt nó nằm yên trên ghe, đừng động đậy, vội vàng chèo ghe về nhà ông Tám, bỏ mặc đàn vịt ở lại. Ông Tám chạy đi tìm thầy thuốc rắn, nhưng khi ông thầy rắn đến nhà, thì nó đã sùi bọt mép, bất tĩnh, vô phương cứu chữa. Con Hằng ôm thằng Xỉnh, khóc lóc, than van cho tới ngày chôn.
Ông Tư nói tiếp: “Thật tội con nhỏ, khi hạ huyệt nó khóc đến bất tĩnh. Nó trách ông trời sao không có mắt, những kẽ hiền lành làm ăn lương thiện như thằng Xỉnh lại bắt chết sớm, trong lúc bao kẽ ác độc lại sung sướng nhỡn nhơ”.
Chúng tôi ra ghe về. Lòng nặng trĩu nỗi buồn man mác. Hàng bông tra vàng rạng rỡ trên dòng rạch không còn thơ mộng cám dỗ như hồi sáng. Mây đen vần vũ trên bầu trời, báo hiệu cơn mưa chiều sắp đến. Giọt mưa nặng hạt bắt đầu rơi.
Reading, tháng 9/2011
Nguyễn Thị Kim-Thu
|