DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Một thoáng quê hương

Lên mạng ngày 25/1/2011


MỘT THOÁNG QUÊ HƯƠNG
 
          Việt Nam ơi! Việt Nam ơi!
          Nhói đau điệu nhạc bỗng khơi lại trầm
          “Tây” ngày lại nhớ “đông” đêm
          Vội ôm tia nắng ấp thêm vào lòng.
 
Hằng năm cứ vào khoảng cuối tháng 3 là mùa Xuân bắt đầu ở Anh. Không còn những ngày đông ảm đạm, tuyết giá. Thời tiết và cỏ cây thay đổi nhanh chóng, thấy rõ rệt từng ngày. Sau một đêm thức dậy thấy mặt trời mọc sớm hơn 3 phút so với hôm qua. Đàn chim thiên di nay đã bay trở về kêu oang oác trên cánh đồng bên cạnh. Mới vài ngày trước, cây còn trơ cành khẳng khiu yên ngũ trong suốt mùa đông giá lạnh, thế mà sáng nay chợt thấy toàn cây đã có búp lá xanh tươi. Trong rừng có vài loại cây, như anh đào, đã có hoa hồng hay trắng nở rộ, cùng đàn chim nhảy tung tăng trên cành hót líu lo. Dưới rừng, hoa huệ daffodil nở vàng, và trên đồng cỏ xanh mướt điểm trắng những hoa cúc dại daisy. Phong cảnh đồng quê đẹp tuyệt vời:
          Cỏ non xanh tận chân trời
          Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
          (Nguyễn Du)
Lòng người cũng phấn chấn trở lại khi mùa xuân đến, mọi vật như bừng sống dậy sau những tháng dài buồn ảm đạm của mùa đông.
Thông thường, bắt đầu từ lể Phục sinh ở đầu tháng tư chúng tôi thường lái xe về vùng Oxford xem phong cảnh, nơi có những cánh đồng lúa mì bao la xanh biếc chạy tận chân trời, thấp thoảng những dậu hàng rào cây cao, giống y hệt như phong cảnh đồng lúa Việt Nam trên đường đi Rạch Giá. Rồi khi xe leo đến đỉnh đồi, trải dài từ sườn đồi đến thung lũng là cánh đồng cải mù-tạt, hoa vàng rộng cả hàng ngàn mẫu, trông rất đẹp mắt. Chúng tôi có cảm giác như đang đi trên đường đèo Đà Lạt. Nhớ Việt Nam làm sao!
Vào tháng Năm, rừng ở Linear Park cận nhà tôi đã trở nên rậm rạp, với muôn ngàn thứ cây và hoa dại nở rộ. Trong công viên này, có 3 loại cây mỗi khi nhìn thấy là chúng tôi nhớ Việt Nam, và vì vậy hàng năm tới tháng này chúng tôi tìm thăm chúng. Một loại cây xứ lạnh nhưng có hình dáng giống hệt cây nhản, từ lá, tới chùm hoa và trái, nhưng trái không ăn được. Một loại cây thứ hai thì trái y hệt trái chôm chôm, nhìn thấy là nhớ mùa chôm chôm chín ở quê nhà. Dọc bờ sông là hàng liễu rũ mọc sát bờ nước, cũng có những con chim bói cá thỉnh thoảng lao mình xuống nước, giống như phong cảnh sông Hậu với hàng bần lá rũ. Thỉnh thoảng nghe tiếng chim cu gáy đâu đó. Nhìn thấy những cây này mà lòng chạnh nhớ quê hương.
Tháng Năm là tháng của hoa. Hàng năm cứ vào tuần cuối của tháng Năm, Triển Lảm Hoa do Hiệp Hội Hoa Cảnh Hoàng Gia (Royal Horticulture Society) tổ chức tại Chelsea (London). Đây là triễn lảm hoa có lịch sử lâu đời nhất và lớn nhất thế giới, kéo dài trong một tuần lể, khai mạc bởi Nử Hoàng. Phải đi cả một ngày, từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, bạn mới có thể thấy hết các loại hoa, loại cây kiễng, của xứ lạnh, xứ nóng, hay hoa của đỉnh núi cao (Alpines flower), các gian hàng hoa kiểng, các kiến trúc tiêu biểu vườn hoa của các nước. Chẳng hạn, bạn có thể đến viếng vườn hoa Nhật Bản mà kiến trúc từ nhà, cầu, hồ nước, cổng vào vườn, v.v. cho tới chậu hoa, giống hoa và cách xắp xếp đều theo phong cách Nhật. Tương tự như vậy bạn có thể đến xem vườn hoa Trung Quốc, vườn Mã Lai, hay vườn hoa xứ nóng sa mạc ở Phi Châu. Riêng về vườn hoa của Anh quốc, bạn có thể đi vào quá khứ với cảnh vật vườn hoa của thời Victoria, hay với vườn hoa của thời cận đại. Rất tiếc, chưa có vườn hoa Việt Nam ở Anh. Tuy nhiên chúng tôi xem ké vườn Nhật Bản, Trung Hoa hay Mã Lai để tìm chút hơi hám Á Đông.

 


Một góc nhỏ vườn triển lảm Chelsea năm 2010
          Để thật sự tìm hình ảnh Việt Nam, chúng tôi thường đến thăm vườn Bách Thảo Hoàng Gia Kew, xây dựng từ 1700. Nếu bạn thích xem hoa Lan, hàng năm từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 3 là mùa triển lảm Hoa Lan sưu tập trên khắp thế giới với hàng ngàn giống. Nếu bạn muốn biết các giống tre trên thế giới, mời bạn đến góc Tây của vườn, bạn sẽ ngạc nhiên thấy nhiều giống tre Việt Nam như Mạnh Tông. Nếu bạn muốn thưởng thức hoa Đỗ Quyên, thì khu rừng cận rừng tre là rừng Đổ Quyên với hàng trăm giống muôn màu sặc sở vào tháng Năm. Bạn muốn thấy hoa sen hãy đến hồ sen trong một nhà kiếng khổng lồ (Water Lily House). Tóm lại, bạn thích thứ hoa gì bạn có thể tìm trong bản đồ dành cho du khách, và tôi bảo đảm rằng một ngày tròn đi dạo bạn chỉ quan sát một phần vườn bách thảo mà thôi.
 


Một góc của Palm House
          Riêng phần chúng tôi, muốn tìm lại hình ảnh thân thương của quê hương, chúng tôi thường đến thăm Palm House. Đây là một nhà kiếng khổng lồ, các loại cây cao vút như dừa, cau, cao su, đọt cũng chưa vươn tới đỉnh mái kiếng. Ở đây khí hậu được điều chỉnh tự động theo điều kiện nhiệt đới, ẩm và oi bức như trong rừng Việt Nam. Ở đây bạn có thể tìm thấy bất cứ loại cây ăn trái nào của Việt Nam và vùng nhiệt đới. Bạn cũng ngạc nhiên thấy có hoa mai vàng, Sim tím, bằng lăng, bông bụp, phù dung, v.v. Ngạc nhiên hơn nữa bạn còn thấy cây tiêu, rau râm, rau má, vấp cá và cả rau càng cua mọc dưới bụi chuối. Các con tôi khi còn nhỏ thích thú chạm vào lá cây trinh nữ (mắc cở) để lá cây khép lại, dưới mắt trố nhìn của bọn trẻ thơ Anh.
          Hình ảnh quê hương chợt thoáng qua trong cây cỏ thân thương trồng ở xứ người.
 
Reading, cận Tết Tân Mão 2011.
Nguyễn Thị Kim-Thu