DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Mùa tuyết rơi

 
01/02/2013

MÙA TUYẾT RƠI
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
Ở Âu Châu khi gặp nhau thì câu xã giao chào đón đầu tiên là “Good morning” (Bonjour tiếng Pháp), “Good afternoon”, hay “Good evening” tùy theo giờ giấc trong ngày. Ngược lại, người Tàu gặp nhau thường hỏi “Đã ăn gì chưa?”, còn người Việt thì “Độ này làm ăn ra sao?”. Đây là biểu lộ của hai nền văn hóa phản ảnh sự khác biệt về khí hậu và kinh tế.
          Ở Âu Châu, vùng ôn đới hay hàn đới, trong năm không có mấy ngày tốt trời thật sự, ấm áp và có nắng liên tục suốt ngày. Chẳng hạn ở Anh, một năm chỉ có khoảng 20 đến 30 ngày có nắng liên tục từ sáng đến chiều. Phần tháng ngày còn lại là âm u vì  mây mù, mưa phùn rã rích, hay sương mù và dỉ nhiên lạnh lẽo. Vì vậy, khi vừa thức dậy vào buổi sáng ai cũng ước ao muốn có một ngày đẹp trời, và vì vậy họ cầu chúc nhau điều mong ước đó. Ngược lại, ở vùng nhiệt đới, nóng quanh năm, mặt trời gay gắt, khí hậu oi bức, mùa màng thất bát do hạn, lũ lụt, bão tố thường xuyên, nạn đói đe dọa hàng ngày, nên không ai quan tâm đến ngày đẹp trời mà chỉ “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, cho đầy bát cơm”.
          Người gốc bản địa Âu châu vốn đã quen khí hậu mà còn sợ thời tiết âm u ảm đạm, huống gì đối với người gốc xứ nóng đến cư ngụ ở vùng đất khí hậu khắc nghiệt này. Mùa đông là nỗi ám ảnh, nhất là cho người già. Mỗi lần trở trời, thay đỗi áp xuất, người già rên đau từng khớp xương, thớ thịt. Rồi mùa đông kéo dài, trời mờ mịt vì mây phủ suốt ngày, suốt tháng, cây cối chỉ còn trơ cành run rẩy mỗi khi có gió đông thổi từ Tây Bá Lợi Á đến mang theo cái lạnh lẻo thấu xương, tuyết giá đầy trời, hay sương mù dày dặc.
Đối với người già thì vậy, nhưng thanh niên và trẻ nít thì điều đó có thấm thía gì. Chúng có sức khỏe, ăn uống đầy đủ, nên không cảm thấy lạnh. Chúng có thể đi ngoài trời với chiếc áo khoác mỏng  khi có tuyết rơi, điều mà người già phải vài ba lược áo ấm.
          Các cháu tôi cũng vậy. Cứ sau lễ Giáng Sinh là lúc trời thường có tuyết. Chúng thích thú lắm. Cứ mong có tuyết rơi để được nghỉ học, giống như thời còn đi học chúng ta thường mong thầy cô bị bệnh để được rong chơi thỏa thích. Mấy ngày trước đây, trời đổ tuyết khá nhiều trên khắp đất nước Anh. Cả mặt đất, mái nhà, cây cối trắng phủ lớp tuyết dày. Các cháu nhỏ thích thú lắm. Đây là dịp chúng chạy đuổi nhau trong lúc tuyết rơi, tay vắt tuyết thành trái banh (snow ball) để chạy rượt quăng ném vào nhau, rồi cười vang đắc thắng. Hay chúng chụm nhau 2-3 đứa thi nhau làm người tuyết (snow man) đầu đội nón len, miệng ngậm điếu xì gà làm bằng que cây, còn mũi là củ ca rốt. Nhà nào có con nít thì trước nhà thế nào cũng có một người tuyết. Với các em lớn có thể tạo được người tuyết có kích thước người thật. Nhưng náo nhiệt nhất là cảnh trượt tuyết. Các em bé 2-3 tuổi thì được cha hay anh kéo trên cộ tuyết làm bằng gỗ hay plastic, dọc trong vườn hay dọc đường. Các cháu lớn thì tập trung trượt tuyết ở dốc cao tại các ngon đồi. Chẳng hạn ở Reading có Prospect Park có ngọn đồi khá cao, là nơi tập trung của thanh thiếu niên cùng gia đình đến trượt tuyết. Leo lên tới đỉnh đồi, ngồi trên xe trượt, rồi trượt thả dốc, Chúng thi đua thắng bại, la ó, cỗ vỏ nhau thật vui vẻ.



Hai anh em chơi với tuyết

 
Thoải mái trượt dốc
 



Căng thẳng khi trượt dốc
 



Hết sợ rồi!
 
          Trò chơi nguy hiểm nhất, năm nào cũng có trẻ em chết, là trò chơi trợt tuyết trên sông hồ đóng băng. Khi trời lạnh độ âm trong vài ngày, tất cả mặt nước trên sông, hồ đều đóng băng, có thể đi bộ, trượt băng (ice skating) trên sông hồ. Tuy nhiên, có nơi băng không đủ độ dày, nhất là khi nhiệt độ ấm dần, băng bị vỡ, nên người bị chìm vào nước đá, chỉ cần một hai phút là chết vì quá lạnh.
 
Reading, mùa tuyết rơi 2013
Nguyễn thị Kim Thu