DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Sài Gòn trong mắt tôi

11/12/2010

 

SÀI GÒN TRONG MẮT TÔI
 
Trần- Đăng Hồng
 
Từ khi về hưu ̣̣(tháng 10/2006), coi như hàng năm, chúng tôi đều về Việt Nam để thăm anh chị em, bà con, bên chồng cũng như bên vợ, và đồng thời du lịch để thăm lại, hay biết thêm về những mảnh đất quê hương mà chúng tôi chưa có dịp đi. Sài Gòn là trạm đầu tiên khi đến Việt Nam, trạm dừng chân giữa các chuyến đi xa về tỉnh hay du lịch, và là trạm cuối cùng trước khi từ giả quê hương. Vì vậy, thời gian tổng cộng ở Sài Gòn cũng khá nhiều, dài nhất là trong thời gian trước khi lên máy bay trở về quê hương mới.
          Với tâm tình của người xa xứ, trong những giờ phút đầu tiên khi bước ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn vẫn mang một hình ảnh đẹp trong tôi, hình ảnh kỹ niệm của một thời quá khứ xa xưa, mặc dầu đất nước đã trải qua nhiều đổi thay. Chúng tôi không để ý đến cái nóng bức, cái ồn ào, tiếng bóp còi inh ỏi nhức tai, cảnh xe cộ chạy xô bồ, khói xe mù mịt của Sài Gòn, bởi vì chúng tôi đang xúc động gặp lại người thân, tíu tít hỏi thăm nhau, trò chuyện vui vẻ, trong chiếc xe đến đón có máy lạnh, cửa kính đóng kín cách biệt với thế giới bên ngoài. Rồi khi về tới nhà, cũng trong căn phòng có máy lạnh và quạt máy suốt ngày đêm, anh chị em quay quần trò chuyện. Sau một hay hai ngày ngơi nghĩ để thích ứng với giờ giấc mới, chúng tôi bắt đầu những chuyến đi xa, Miền Tây, Miền Trung hay Miền Bắc để thăm gia đình, bà con, và du lịch.
          Xen kẻ với những chuyến đi xa này, là một hay hai ngày ngắn ngủi dừng chân tại Sài Gòn, trong căn phòng có máy lạnh với nhiều tiện nghi của một căn nhà Âu Mỷ, nên chúng tôi chưa có dịp tiếp xúc nhiều với Sài Gòn.
Cuối cùng, trước khi từ giả Việt Nam, là một thời gian dài cả tuần lễ chúng tôi phải ở Sài Gòn, để thăm bà con, bạn bè, mua sắm, du lịch gần, v.v. Đó là thời gian tôi tiếp cận nhiều với Sài Gòn.
 
Sài Gòn ngày nay
Dĩ nhiên, Sài Gòn ngày nay có nhiều cao ốc diểm lệ, nhiều khách-sạn-5-sao, nhiều khu biệt thự sang trọng không thua nước ngoài, như khu gia cư Phú Mỹ Hưng, nhiều khu kỹ nghệ (công nghiệp) phồn thịnh, nhiều con lộ-4-làn-xe hơi thẳng tắp ở mỗi chiều xe, ngăn giữa bởi hàng cây xanh tươi đẹp, nhiều cầu vượt xoắn ốc tối tân, nhiều vòng xoáy to lớn (như ở Hàng Xanh).
Bởi vì dân số gia tăng vượt quá vận tốc phát triển đô thị, nay có tới 12 triệu dân ô hợp, đằng sau cái kiến trúc phồn hoa nỗi bật của Sài Gòn, vẫn tồn tại những khu ổ chuột của giới lao động. Đường sá cũ trong nội thành trở nên chật hẹp so với hơn 8 triệu xe gắn máy, hàng trăm ngàn xe du lịch đủ loại, v.v. Vì thiếu bảo quản, đường sá đầy “ổ gà”, cộng thêm các thiếu sót về hệ thống thoát nước, lụt lội xảy ra thường xuyên trên khắp Sài Gòn chỉ sau một trận mưa lớn. Các vùng đất thấp thì bị ngập lụt, không những do mưa, mà còn do thủy triều (triều cường) của Sông Sài Gòn và các rạch phụ lưu tràn qua đê. Chỉ cần ngồi trên xe khi qua các cầu thuộc trung tâm Sài Gòn cũng đủ thấy và ngửi được mùi hôi tanh của các sông rạch với màu nước đen sì lềnh bềnh rác rến, mặc dầu các bờ sông được xây bằng bê tông đẹp và kiên cố.
          Cũng vì vậy, Sài Gòn nóng bức hơn 1 độ bách phân so với thập niên 1960s, vì nhà cao ốc, vì thiếu công viên cây xanh, vì xe cộ tỏa nhiệt do thiêu đốt nhiên liệu, do tỏa nhiệt của hàng mươi triệu máy điều hòa không khí được gắn ở bất cứ công sở lớn nhỏ nào của chính phủ hay thương mại, và nhà của giới trung lưu hay dưới trung lưu cũng đều có 1-2 máy.
          Dĩ nhiên, hậu quả của các phương tiện tối tân kia là Sài gòn bị ô nhiểm nặng nề, ô nhiểm không khí với chất thải độc hại (CO, CO2, S, Chì, v.v.). khói và bụi bậm, ô nhiểm âm thanh với tiếng còi xe nhức tai, ô nhiểm nước sông rạch, và nước uống. Dân Sài Gòn bây giờ không ai còn dám uống nước máy đun sôi, người giàu kẻ nghèo đều dùng nước chai (như La Vie) để uống, hay nấu nướng. Ra đường, đa số các cô, các cậu Sài Gòn đều kè kè mang theo một chai nước uống.
          Tôi thường đi xe bus hay rảo bộ lang thang trên khắp đường phố Sài Gòn. Có 2 điều làm tôi không hiểu.
          Từ hơn 10 năm nay, ở mọi đầu ngõ hẻm nào cũng đều trương bảng “Phường văn hóa”, hay “khu phố văn hóa”, v.v. Thú thật tôi không hiểu từ “văn hóa” đơn độc ở đây nghĩa là gì, phải chăng viết tắt của chữ “nếp sống có văn hóa cao”, tức là khu phố phải sạch sẽ, con người phải tao nhã có giáo dục, có lối sống lành mạnh và văn minh. Trong hơn 10 năm qua, tôi vẫn thấy ở nhiều nơi bảng đó dựng bên đống rác dơ nhớp, trên tường viết “Cấm đái bậy”, bên trong là các quán nhậu mọi người mời ép nhau uống rượu say mèm với tiếng reo “dzô, dzô” ồn ào. Tôi không biết có sự khác biệt nào giữa “Văn hóa” và “không văn hóa”.
          Tại một đầu đường gần nhà bà con của tôi, có một ngôi nhà khá lớn và đẹp, cửa đóng then gài, bên trên có bảng “Nhà Truyền Thống”. Thoạt tiên tôi nghĩ là “Nhà Truyền Thông”, tức là một trạm thông tin, trong đó có báo chí, sách v.v. cho công chúng, như các thư viện (Library) ở mỗi khu vực có dân cư, như tại xóm Calcot của tôi ở Reading Anh quốc. Nhưng sau khi hỏi cả 10 người dân Sài Gòn, 9 người không biết “Nhà Truyền Thống” là nhà gì, chỉ có một người cho tôi biết đó là nhà lưu niệm, lưu giữ những chứng tích tài liệu chiến công của khu vực có “truyền thống cách mạng”. Như vậy, đây là một loại nhà “Bảo tàng” (Museum) của khu vực. Cách viết tắt này làm tôi phải điên đầu.
 
Cô gái Sài Gòn
Hậu quả của môi trường ô nhiểm, người Sài Gòn bây giờ cũng ăn mặc khác xưa để thích ứng với môi trường mới.
          Ngày xưa, vào thời tôi còn là sinh viên, các cô nử sinh trong chiếc áo dài trắng tha thướt, tóc thề xỏa ngang vai, chậm rải trên chiếc xe đạp hay chiếc Velo solex chạy thong thả, dưới bóng cây rạp mát của đường phố Sài Gòn. Vào thời đó, dưới mắt tôi, các thiếu nử Sài Gòn xinh đẹp làm sao, với thân hình mảnh mai, thấy rõ eo số 8 trong chiếc áo dài đầy khêu gợi, mang kính đen in rõ làn da trắng mịn của khuôn mặt. 


 
Phụ nữ Sài Gòn trong thập niên 1960

Traffic Jam along Nam Ky Khoi Nghia street in Saigon, Vietnam
Phụ nữ Sài Gòn bây giờ
 
          Còn bây giờ, các cô gái Sài Gòn chạy xe Honda vun vút, lách qua lách lại trong dòng xe hỗn loạn, đầu đội nón vải rộng vành, bên trên là mủ an toàn. Trên khuôn mặt. không biết có xinh đẹp hay không, đen hay trắng trẽo, là một khẩu trang lớn, chỉ nhìn thấy cặp mắt. Để chống nắng, các cô phải mặc áo khoát, áo dài phủ tay và mang găng, không còn thấy cái eo đẹp của cô gái dậy thì. Óc tôi vốn đầy tưởng tượng, với đà ô nhiểm này, các cô gái Sài Gòn tới một ngày nào đó sẽ ăn mặc theo lối Trung Đông, mặc dầu không theo Hồi Giáo, với chiếc mạng che mặt chỉ chừa 2 con mắt ?
 
Giọng nói Sài Gòn
Theo báo chí và nhiều người, trong số 12 triệu dân, “người Sài Gòn chánh hiệu” chỉ chiếm 40%, phần còn lại là dân tứ xứ, hỗn tạp, đến từ mọi địa phương của đất nước, nhiều nhất từ các tỉnh phía Bắc. Tương tự như Hố Nai của thời 1956, người di dân mang theo cả họ hàng, hay cả làng xóm, và tại Sài Gòn họ định cư và sống chung với nhau trong cùng khu phố rộng lớn, dễ thấy nhất là vùng đất mới khai khẩn chung quanh Tân Sơn Nhất, nơi trước kia vốn là đất đai thuộc khu quân sự.
Cũng dễ hiểu, Sài Gòn vốn là kinh đô kinh tế, nơi “đất hứa” của mọi người Việt nội địa, cũng như Hoa Kỳ là “đất hứa” của dân Việt hải ngoại (và nội địa nữa). Nhưng khác với Hoa Kỳ, mỗi sắc dân nhập cư ở Hoa Kỳ chỉ là thiểu số (5% tối đa), và thường chưa chiếm được ưu thế trong ngôn ngữ, chính trường và kinh tế. Nhưng ở Sài Gòn thì khác. Chỉ cần lắng nghe giọng nói khi vừa bước vào phi cảng Tân Sơn Nhất, ngồi trên taxi, trên xe bus, vào chợ Bến Thành, hay các công sở chính quyền cấp cao hay thương mại lớn, ta cũng dễ nhận biết đa số không phải “người Sài Gòn” chính gốc, và qua giọng nói (accent) ta cũng dễ nhận biết họ từ vùng hay tỉnh nào đến.
          Vì vậy, giọng nói và ngôn ngữ Sài Gòn cũng biến dạng khá nhiều. Nhiều người cho rằng “giọng nói” và “người Hà Nội” bây giờ khác hẳn với Hà Nội thời trước 1954, thì Sài Gòn ngày nay cũng vậy, khác hẳn với Sài Gòn thời trước 1975. Người trong nước ít ai để ý đến sự khác biệt này, nhưng những Việt kiều như tôi, sau mấy chục năm mới về lại thăm quê hương thì nhận thấy rõ ràng, đôi khi làm tôi “shock”.
          Việc từ ngữ đỗi thay là một chuyện thường tình. Chẳng hạn, có một số từ ngữ tiếng Anh của người Anh, ngay nghĩa của nó, được biến đỗi ở Hoa Kỳ, ở Úc, ở Ấn Độ, ở Nam Phi, v.v. mà chỉ có dân địa phương mới thấu hiểu. Vì vậy, những từ  thông thường và dễ hiểu như “kỹ nghệ” đổi qua “công nghiệp”, “thủy triều cao” qua “triều cường”, v.v. thì không có gì phải nói, vì chúng làm đa dạng và phong phú ngôn ngữ Việt Nam. Tuy nhiên, có những từ mới tôi cảm thấy khó chịu. Chẳng hạn, trong khoa học nông nghiệp, trước kia chúng tôi thường dùng “loài Cam quít” (Citrus) để mô tả những loại cây như cam, quít, bưởi, tắc, chanh. v.v. Còn bây giờ dùng “loại cây có múi”, thấy ngộ nghĩnh ngây ngô làm sao. Trái mít, trái sầu riêng cũng có “múi” vậy. Đứng về mặt thực vật học, trái khóm, thơm cũng cấu tạo bởi các “múi”, ta đâu có thể phân loại các loài cây này trong Citrus. Ngoài ra, đọc trong báo chí, với tĩnh từ “bức xúc” thông dụng hiện nay tôi thường phì cười và hay nghĩ bậy, nhất là khi nghe các cô các bà nói (nghĩa rất tục cho phụ nữ ). Theo đà tiến hóa và thích nghi (adaptation), cái gì không thích nghi và ít ai xử dụng thì bị đào thải. Ngôn ngữ cũng vậy. Bây giờ có ai viết hay nói “Xưởng đẻ Từ Dủ”, hay “máy bay lên thẳng”, v.v. như thời 1975 nữa đâu ?
Cách xưng hô bây giờ cũng khác xưa. Tôi thấy hơi chướng tai khi nghe các cháu tôi, vốn gốc “Nam Kỳ rặc” nhưng sinh sau 1975, xưng hô cha con với nhau bằng “Bố”, hay gọi “trái” (cây) bằng “quả”.
       
Ngoài ra, tôi rất đỗi ngạc nhiên khi nghe giới trẻ Sài Gòn gọi tôi bằng “Chú”, mặc dầu các em, vác cháu này không có liên hệ tộc họ gì với tôi. Họ là sinh viên, là nhân viên trong các cơ sở thương mại hay chính quyền.
          Ngày xưa khi tôi còn trẻ ở Việt Nam, hay bây giờ khi ở hải ngoại, không ai gọi tôi bằng “Chú”, ngoại trừ các con của anh tôi, hay con của các bạn bè thật “thân thích” mà tuổi tác của tôi nhỏ hơn ba mẹ chúng 5-10 tuổi. Nếu bạn bè đồng tuổi, hay hơn kém một vài tuổi, con của họ đều kêu tôi bằng “Bác”. Còn người lạ, không quen biết, thì kêu tôi bằng “Anh” (nếu tôi lớn tuổi hơn) hay nói trỏng bằng “Ông”, hay bằng “Bác” (nếu tôi đáng tuổi của bậc làm cha mẹ), hay “Cụ” (nếu tôi trên 60-70 hay hơn). Ở thôn quê Miền Tây, một số nông dân lớn tuổi thân thiết với tôi thường gọi tôi một cách thân tình là “Chú mày”, chứ không chữ “Chú” đơn độc. Như vậy, ngày xưa qua cách xưng hô, ta có thể hình dung sự liên hệ thân thích, thân tình, tuổi tác, hay địa vị xã hội.
          Còn bây giờ, ngoài xã hội, trong lúc giao tế chỉ có “Anh” (cho phái nam), “Em” (cho cả 2 phái), “Cô” hay “Bà” (phái nữ, tùy tuổi tác” và “Chú” (phái nam, lớn tuổi). Ngay cả các ông cụ 70-90 tuổi đều là “Chú” cả trong giao dịch. Chỉ có các Việt kiều, hay “đại gia” tuổi 70-80 thì được các cháu trong các “cà phê ôm” kêu bằng “anh” ngọt xớt để họ quên cái tuổi già có thể chết vào sáng mai. Không ai bây giờ xưng hô “Bác” với nhau, ngoại trừ khi gọi “Bác tài” (tài xế xe đò).
          Tôi rất kinh ngạc khi nghe các vị Giáo Sư Đại Học gọi sinh viên mình, và các Giảng Nghiệm Viên dưới quyền mình bằng “con”, mặc dầu các vị Giảng Nghiệm Viên này chỉ kém Giáo Sư 5-10 tuổi. Cũng vậy, các vị có chức quyền đều kêu các tài xế riêng bằng “con” mặc dầu không có cách biệt tuổi tác. Tôi không biết đây là một cách xưng hô phỗ quát hay chỉ lẻ tẻ ở vài cá nhân.
          Một lần tôi nhận được một email chuyển tới (forward) trong đó 2 vị cấp lớn thư từ qua lại, xưng hô “anh” và “em” với nhau. Tôi cứ tưởng 2 vị này có liên hệ bà con. Sau này, tôi khám phá thêm 2 vị này không có bà con gì cả, mà chỉ có một thời từng là đồng nghiệp, một người là “thủ trưởng” của người kia. Vào thời của tôi, thật là xấc xược nếu gọi ai bằng “Chú” khi tuổi tác của họ đáng vào bậc làm cha, làm ông của mình.
 
Chuyện trên xe bus
Chỉ có hai phương tiện giao thông chúng tôi thường xử dụng ở Sài Gòn là taxi và xe bus. Đối với tôi, đó là cách đi lại an toàn hơn cả. Tôi không dám ngồi đèo sau xe gắn máy 2 bánh Honda, vì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở Sài Gòn này.
Nhờ đi xe bus, qua các hệ thống chằng chịt đường phố Sài Gòn, tôi có dịp ngắm nhìn Sài Gòn trong chi tiết, có dịp tiếp xúc với giới bình dân, học sinh, sinh viên nghèo cùng ngồi trên xe. Tôi thích đi xe bus, vì tương đối thông dụng, cũng tiện nghi (có máy lạnh), lại rẽ tiền (chỉ 3000 đồng cho mọi đường trong nội thành Sài Gòn), lại thường xuyên, chỉ 10-15 phút có một chuyến xe trên các trục chính, như Chợ Bến Thành – Chợ Lớn (tuyến số 1), Chợ Bến Thành – Bến Xe Miền Tây (tuyến số 2), chợ Bến Thành – Gò Vấp (tuyến số 3), hay mỗi 20-30 phút trên các tuyến đi xa như Chợ Bến Thành – Bình Dương (tuyến 116). Đặc biệt tuyến xe số 38 (và còn nhiều tuyến khác tôi chưa đi), là tuyến qua nhiều khu đại học, hành khách đa số là sinh viên, ngoài máy lạnh, có máy bán vé tự động (3000 đồng/vé) và máy thối lại tiền dư, có máy tự động thông báo trạm sắp đến và chỉ dẩn cách mua vé với máy bán vé tự động. Cũng văn minh ra phết đấy chứ, kém gì nước ngoài !
Đi xe bus cũng ít bị kẹt xe hơn ngay cả trong giờ cao điểm. Lý do là xe gắn máy có thể chen lấn với xe gắn máy, với xe hơi nhà, với taxis, và có thể vượt đèn đỏ vào giờ cao điểm. Tâm lý chung của người lái xe hơi nhà, xe taxis là sợ xe mình bị quẹt trầy trụa, hay sợ bị bồi thường nặng khi gây tai nạn, nên đều nhường bước xe gắn máy, mặc cho họ tung hoành.  Ngược lại, người xử dụng xe gắn máy không dám chen lấn với xe bus, và xe ben chở hàng, vì 2 loại xe lớn này nỗi tiếng là chạy “không nhừơng ai”, “chạy bạt mạng”, nên ai cũng sợ, không dám đùa với “tử thần”, ai ai cũng đều phải “xếp de”, nhường loại xe này. Nhờ vậy, đi xe bus cũng nhanh chóng, hơn cả taxis.
Trong giờ cao điểm, từ 6 giờ sáng đến 9 giờ sáng, và vào buổi chiều tan sở, hầu hết xe bus đều chật đầy người, chứng tỏ người Sài Gòn đã bắt đầu chuyển qua xe bus để đi làm, đi học, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, giá xăng quá mắc, 17.000 đến 20.000 đồng/lít, trong lúc đi xe bus chỉ từ 3.000 (cho 1 chặng) đến 6.000 đồng (nếu phải đổi thêm 1 chuyến nữa). Mua vé tháng thì lại càng rẽ hơn.
Vào giờ cao điểm, khi bước vào xe bus, tôi phải đứng cùng chung với nhiều người. Các cậu nam sinh hay nam sinh viên, mặc dầu thấy tôi đứng bên cạnh ghế ngồi của họ, các em này vẫn làm ngơ mặc dầu tôi đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi”. Tuy nhiên, nếu bên cạnh tôi là một em nử sinh, thì lúc nào các em này cũng đứng dậy nhường ghế cho tôi, mặc dầu tôi từ chối bảo rằng tôi có thể đứng được, nhưng các em đều ép tôi phải ngồi. Tôi đã kinh nghiệm điều này cả chục lần đi xe bus. Hóa ra, các em nử sinh được giáo dục và áp dụng kỹ về phép lịch sự này, trong lúc các nam sinh không được giáo dục hay không muốn áp dụng?
Phải công nhận rằng các cô, cậu tiếp viên bán vé (nôm na bình dân là “lơ xe”) rất lịch sự, lể độ với hành khách. Tôi không rành đường sá, nên nhờ các cô/cậu tiếp viên thông báo khi sắp tới trạm xuống. Tôi rất hài lòng về sự lễ độ và chăm sóc hành khách, nhất là đối với người già cả.
Tìm đúng trạm xuống thì thật dễ dàng vì nhờ sự giúp đở của các tiếp viên xe bus, nhưng khi đi tìm trạm lên xe bus là một bối rối của tôi, phải sau nhiều lần tôi mới có kinh nghiệm. Quen với hệ thống xe bus nước ngoài, khi xuống trạm nào thì trạm lên phải nằm bên kia đường. Thế mà tôi tìm mải không ra. Mắt tôi cứ ngó lên các trụ đèn, các cột cao bên vệ đường để tìm bảng trạm đậu xe bus. Tôi đã đi quá xa, vẫn không tìm thấy. Tôi bèn hỏi khách bộ hành, họ bảo tôi phải đi ngược lại, tới chỗ đó đó. Tôi đi ngược lại tới đúng chỗ họ chỉ, vẫn không thấy bảng trên góc cột. Tôi bèn hỏi lần nữa. Lần này, người bộ hành chỉ tôi xuống mặt đường, bảo là đúng chỗ trạm xe bus. Thì ra, dưới mặt đường có khung vẽ đề chữ “Trạm xe buýt”, màu sơn trắng đã hoen úa qua bụi bậm và thời gian. À, thì ra người Sài Gòn ngày nay chỉ “nhìn xuống”, chứ không ai “nhìn lên” như người Sài Gòn ngày xưa, hay như tôi hiện nay.
Nhờ đi xe bus, tôi cũng khám phá nhiều điều lạ, mà tôi chưa hề nghĩ tới. Một lần, trên tuyến xe qua nhiều đại học, có máy bán vé tự động. Tôi bỏ 3000 đồng vào máy tự động và sắp nhấn nút để lấy vé, thì anh tài xế ngăn lại, anh xé từ một tập vé rồi đưa cho tôi một vé. Tôi liếc nhìn, đây là vé tháng. Về nhà, tôi thắc mắc hỏi đứa em về chuyện này. Đứa em cười và nói “Lớn ăn theo lớn, nhỏ ăn theo nhỏ, trong thời buổi kinh tế thị trường mà sống theo đồng lương cố định thì chỉ còn có chết đói”. Em tôi giải thích. Vé tháng thì rẽ hơn 3000 đồng, nhất là đối với sinh viên có chánh sách giúp đở hẳn hòi. Người tài xế chỉ cần mỗi ngày móc nối mua một vài tập vé tháng dành cho sinh viên,  rồi bán lại cho hành khách, thì sự khác biệt giữa giá cả của 2 loại vé này có thể mang thêm lợi tức cho gia đình tài xế. À ra thế! Chỉ có lươn lẹo một chút mới có thể sống, mà không thiệt cho cá nhân nào cả (chỉ thiệt cho hảng xe).
Cũng nhờ đi xe bus, chung đụng với giới bình dân, nghèo khó, tôi thường hỏi chuyện với người bên cạnh. Chỉ qua hình dáng, ăn mặc và cách nói, ai cũng biết tôi là Việt kiều, vô hại, nên thả giàng tâm sự. Một chị cho tôi biết chị ở tuổi 40, nhưng có nét khắc khổ của người trên 50. Chị gốc người nhà quê trong tĩnh Vĩnh Long, quá khổ cực với ruộng đồng, chị bỏ xứ lên Sài Gòn cách đây 20 năm. Tại Sài Gòn, chị gặp anh cũng bỏ xứ Tây Ninh. Chồng chị chạy xe ôm. Ngày nào ế ẩm, kiếm được 40.000 đồng (2 đô) là mừng, ngày nào có nhiều khách kiếm tới 120.000 đồng (6 đô). Anh chồng kiếm được bao nhiêu đều cắt củm gởi tiền về Tây Ninh nuôi cha mẹ già. Anh không đóng góp đồng nào với chị, mặc dầu chị cung cấp 2 buổi ăn trưa và chiều. Về phần chị, nhờ khéo tay, chị bán hoa và cung cấp “lẵng hoa” cho những ai đặc hàng. Chị nói tiếp: Những ngày rằm và mồng một là những ngày mang nhiều lợi tức vì ngày nay người nghèo đến chùa cầu xin phước lành, người giàu đi chùa cầu xin giàu hơn, chồng con giữ vững vàng “chiếc ghế”. Tuy nhiên, theo chị, nhờ Sài Gòn sống theo văn minh mới với văn hóa “lẳng hoa”, nên chị mới có thể nuôi chồng và đứa con gái đang học lớp 12. Tôi ngạc nhiên hỏi về “văn hóa lẳng hoa”. Chị cho biết ngày nay lớn nhỏ, giàu nghèo gì, ai ai cũng đều tổ chức lớn tiệc “đầy tháng”, “thôi nôi”, “sinh nhật”, “thượng thọ”, ngoài ra còn có các ngày lễ kỹ niệm của Đảng, của Nhà nước, ngày phụ nữ, ngày nhà giáo, ngày của Mẹ (Mother day), v.v. là những ngày cấp dưới phải nghĩ đến cấp trên, ngoài “phong bì”, “quà cáp”, phải có một “lẳng hoa”. Ngoài ra, ngày tốt nghiệp, ngày được thăng chức, chúc mừng nhau tối thiểu cũng một “lẳng hoa”, mà bây giờ, khi ra khỏi ngõ thì gặp toàn “Tiến sỉ”, “Thạc sỉ”, “Cữ nhân”, nên dịch vụ trồng hoa và cung cấp “lẳng hoa” trở thành một “công nghiệp”.
Tôi hỏi chị là có ý định trong năm tới cho con gái học đại học không. Chị bảo là bây giờ học đại học tốn kém lắm, nhưng dầu có nghèo gì đi nữa chị cũng cho con gái vào đại học, may ra mới có cơ hội thoát được cảnh nghèo.
Trong một chuyến khác, người ngồi kế bên tôi là một cô gái trẻ, không đẹp, vẻ mặt thông minh và dễ thương. Cô ta gọi tôi bằng “chú” và xưng “con”. Tôi hỏi cô ta có phải là sinh viên không, bởi vì tôi muốn tìm hiểu về giới sinh viên Việt Nam. Cô cho biết là vừa tốt nghiệp Đại Học về Kinh Tế/Ngân Hàng cách đây mấy tháng. Cô ta đang chạy tìm việc làm một cách vô vọng. Theo cô, thì trước đây 9-10 năm, ai tốt nghiệp bằng này đều có công ăn việc làm tốt, trong các xí nghiệp nội địa hay công ty nước ngoài. Vì vậy, cha mẹ bắt cô theo học ngành này. Bây giờ, nhu cầu đã bảo hòa, không xí nghiệp ngân hàng nào thuê nhân viên mới. Tôi hỏi thêm là ở các ngành nghể khác có dễ tìm việc không. Cô ta trả lời là dễ hay khó là tùy hoàn cảnh mình. Ngoại trừ các công ty nước ngoài tuyển chọn nhân viên theo khả năng, dựa vào bằng cấp, đậu cao hay thấp, dựa vào đại học có nổi tiếng hay không, và phải qua phỏng vấn tuyển lựa sát hạch khả năng rất khắc khe. Còn muốn vào làm ở các công ty xí nghiệp thuộc quốc doanh thì không khó nếu ta thuộc giới “có quyền” hay “có tiền”. Tôi hỏi cô ta thêm nếu không tìm được việc làm thì sao. Cô ta nói là cha mẹ cô bảo cô tiếp tục học “Thạc Sỉ” (Master) ở các đại học nước ngoài tại Sài Gòn, may ra có cơ hội dễ cạnh tranh tìm được việc hơn. Vì vậy, Sài Gòn cũng như Việt Nam hiện nay đang lạm phát với những cơ sở giáo dục “cấp đại học” và “sau bậc đại học” của nước ngoài. Qua báo chí, những đại học có nguồn gốc nước Anh ở Sài Gòn được quảng cáo mang danh như “Đại học London”, “Đại học Oxford” vốn là những Đại học nỗi danh của Anh quốc. Thật sự, các đại học mang danh trên đã “treo đầu heo bán thịt chó”, chỉ là các trường dạy nghề Polytechnic vô danh ở các quận thuộc London, Oxford hay ở nhiều tỉnh nhỏ khác trước 1990, nay được nâng lên thành Đại học Cộng Đồng, thâu nhận sinh viên không đủ tiêu chuẩn học lực để học ở các đại học chính thống. Các University chính thống thật sự của nước Anh chỉ dạy sinh viên ngoại quốc tại nước Anh mà thôi, chứ không có mở chi nhánh tại Việt Nam hay ở nước khác. Tuy nhiên tại Việt Nam mang bằng cấp nước ngoài dầu bản chất thế nào vẫn có giá trị hơn? 
 
Reading, 11/2010.
 
Trần-Đăng Hồng.