DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Tản mạn về trăng

Lên mạng ngày 15/6/2010

TẢN MẠN VỀ TRĂNG
Nguyễn Thị Kim Thu
 
 
   
 
 
Mặt trời ban cho ta sự sống. Không có ánh sáng mặt trời thì không có cỏ cây, là thức ăn đầu nguồn trong “dây-xích-thực-phẩm” trên quả địa cầu. Nhờ trái đất xoay chuyển quanh trục và di động quanh mặt trời mà tạo ra ngày đêm, và các mùa xuân hạ thu đông với thời tiết thay đổi khi nóng khi lạnh. Vì vậy, yếu tố mùa quan trọng cho sự sống, canh tác hoa màu vào mùa xuân, hạ, thâu hoạch vào thu, và trốn vào hang động tránh tuyết lạnh của mùa đông. Người phương Tây, mỗi khi gặp nhau thì chào hỏi chúc nhau “Bon jour”, “Good morning”, tương quan đến mặt trời. Không ngạc nhiên, người phương Tây dùng dương lịch, dựa trên sự vận chuyển tuần hoàn của trái đất quanh mặt trời.
            Ngược lại, ở phương Đông nền văn minh bắt nguồn từ xứ hầu như nóng quanh năm, sống nhờ canh tác lúa, nên sự vận chuyển của nước lên hay xuống theo thủy triều mới là điều quan trọng. Vì vậy người phương Đông xử dụng âm lịch theo vận chuyển của mặt trăng, có ảnh hưởng đến con nước thủy triều: ngày rằm hay 30 âm lịch là ngày có thủy triều cao nhất, dựa vào đó để đưa nước vào ruộng.
            Vì phải quan sát theo dỏi hình dạng mặt trăng biến đổi hàng ngày, trăng tròn (ngày rằm) rồi khuyết dần dần thành lưởi liềm, rồi mất dạng (ngày 30), sau đó xuất hiện lại, với 30 hình dạng khác nhau. Trăng đã trở thành một yếu tố trong đời sống người Á đông, từ thực tế trong lịch canh tác hoa màu cho đến đời sống tinh thần tôn giáo. Trăng là một đề tài muôn thuở, bàng bạc trong ngôn ngữ, thi ca, âm nhạc, hội họa, v.v.
            Người theo Phật giáo ăn chay dựa theo ngày có trăng (rằm) và không trăng (mồng một). Trẻ con mong ngày Trung Thu, rằm tháng 8, để vui ngay hội Tết Nhi đồng.
Cũng cùng một mặt trăng đó, nhưng thế nhân nhìn trăng với những suy nghĩ khác nhau.
Sống trong cảnh cao sang, tráng lệ với hàng ngàn cung nử đẹp tuyệt thế gian, vậy mà Đường Minh Hoàng khi nhìn trăng còn nằm mơ “du nguyệt điện”, ca ngợi tiên nử đẹp lộng lẫy trong điệụ múa nghê thường.
Dân dã nhìn trăng với hình dạng mộc mạc “chú cuội ngồi gốc cây đa”.
Các thiền sư đắc đạo nhìn trăng thì cho “trăng vẫn là trăng”, tuyệt đối không có một khái niệm phân biệt, một cái nhìn siêu  nghệ thuật: “Tâm cảnh nhứt như”.
Ngược lại, các thi nhân nhìn trăng với cặp mắt khác, với tâm hồn khác. Có lẻ tài tình nhất là với thi hào Nguyễn Du, Ông mô tả trăng trong 63 câu thơ rải rác ở Truyện Kiều, không có trăng nào giống với trăng nào, tương tự như hình ảnh khác biệt của 30 con trăng trong một tháng. Với ngọn bút tài tình, ở bất cứ hình ảnh nào Ông cũng đều diễn tả vầng trăng rất nên thơ duyên dáng theo hoàn cảnh, sự vật chung quanh và tâm lý nhân vật một cách rất linh động.
            Để mô tả nét đẹp thùy mị đoan trang của Thúy Vân, khác hẳn với nét đẹp sắc sảo của Thúy Kiều, Ông viết:
            Vân xem trang trọng khác vời,
   Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Khi mô tả Kim Trọng, chỉ cần 2 câu ta có thể hình dung chàng:
            Đề huề lưng túi gió trăng,
  Sau lưng theo một vài thằng con con.
Với hình ảnh mặt trăng, nhưng trong Truyện Kiều, khi thì Ông viết “trăng”, “trăng già”, “trăng hoa”, “trăng ngàn”, “trăng thề”, “trăng vàng”:
Trăng thề còn đó trơ trơ,
Dám xa xôi mặt, mà thưa thớt lòng
Khi thì; “bóng trăng”, mảnh trăng”, “tấm trăng”, “tuần trăng”, “vành trăng”, “vầng trăng”:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dậm trường.
Hoặc: “bóng”, “gương”, “bóng nga”, “gương nga”;
          Một mình lặng ngắm bóng nga,
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời.
Hay “nguyệt”, “thỏ”, “cung quảng”:
          Trải bao thỏ lặn ác tà,
Ấy mồ vô chủ, ai mà viếng thăm.
Thật tài tình!
 
Đối với Hàn Mặc Tử, tuy “trăng” là một hình ảnh đẹp làm xao xuyến cỏi lòng:
……
Đêm nay trăng đúng tuổi
Năm nay em dậy thì
Làm sao không quyến luyến
Hoa gió đã tình si
Em tôi còn ngẫm nghĩ
Chưa thấy nói năng chi...
(Sáng trăng - Hàn Mặc Tử)
 
……
Dòng nước chảy cũng biết buồn
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn hiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trắng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
(Đây thôn vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)
 
Nhưng trong 6 bài trăng còn lại, trăng là hình ảnh đớn đau, quằn quại, cô đơn, tuyệt vọng, làm thi sỉ như phát điên:
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò...
Bao giờ đậu trạng vinh qui đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.
…..
(Trăng vàng trăng ngọc – Hàn Mặc Tử)
 
Hay:
……..
Theo tôi đến suối xa miền
Cõi thơ, cõi mộng, cõi niềm yêu đương
Mây trôi lơ lửng trên dòng nước
Đôi tay vốc uống quên lạnh lùng
Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ
Đầy mình lốm đốm những hào quang.
(Ngủ với trăng – Hàn Mạc Tử)
Hay:
………
Tối nay trăng ở khắp phương
Thảy đều nao nức khóc nường vu qui
Say! Say lảo đảo cả trời thơ
Gió rít tầng cao trăng ngả ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng.
(Say trăng – Hàn Mạc Tử)
 
Hay:
……
Hoảng lên nhưng lại cả cười
Tôi toan níu áo nàng thời theo trăng
Hô hô! Ta đuổi theo trăng! Ta đuổi theo trăng!
Trăng! Trăng! Trăng! Trăng!
Thả nàng ra, thôi thả nàng ra
Hãy buông nàng xuống cho ta ẵm bồng

Đố trăng trăng chạy đàng trời
Tôi rú một tiếng trăng rơi tức thì ....
(Rượt trăng – Hàn Mạc Tử)
 
Và:
……..
Miệng giếng há ra
Nuốt ực bao la
Nuốt vì sao rơi rụng
Loạn rồi! Loạn rồi, ôi giếng loạn
Ta hoảng hồn, hoảng vía, ta hoảng điên
Nhảy ùm xuống giếng vớt trăng lên.
(Trăng tự tử - Hàn Mặc Tử)
Cuối cùng:
…..
Thưa tôi không dám say mê
Một mai tôi chết bên khe Ngọc Tuyền
Bây giờ tôi dại, tôi điên
Chấp tay tôi lạy cả miền không gian
Hẹn tôi tảng sáng đi tìm mộng
Mộng còn lưởng vưởng bến xa mơ
Tiếng gà gáy rung trăng đầu hạ
Tôi hoảng hồn lên, giận sững sờ.
(Một miệng trăng – Hàn Mặc Tử)
 
Thật đáng thương cho một thi sỉ tài hoa mắc phải bệnh phong cùi, và mỗi lần trăng tròn là cơn đau hành hạ. Thật sự có tương quan giữa mặt trăng và cơn đau hành hạ ở ngưới mắc bệnh phong cùi không? Khoa học chứng minh là không có sự liên quan này. Đó chỉ là tâm bệnh. Người bị phong cùi lúc nào cũng bị đau đớn triền miên, nhưng càng cảm thấy đau hơn khi suy nghĩ đến. Nguồn gốc tâm bệnh này bắt nguồn từ các nhà tướng số thiên văn thời Trung Cổ cho rằng ai sinh vào vị trí Cancer, Scorpio, Capricorn thì dễ bị phong cùi, và Mặt Trăng mọc khi mặt trời ở vị trí Hỏa Tinh (Mars) hay Saturn cũng là vị trí làm bệnh phong cùi đau đớn nhứt.
 
Thế gian có lắm kẻ vui, cũng nhiều người buồn, có kẻ yêu đời cũng có lắm kẻ chán đời, và trăng giữa đêm khuya là người để tâm sự:
 
Đêm Thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nữa rồi
Trên ấy đã ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng Tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
(Tản Đà)
 
Nhìn từ xa, mặt trăng quả thật đẹp. Nhưng khoa học đã mang lại thực tế quá phủ phàng cho mặt trăng. Phi hành gia Neil Alden Armsrtrong với phi thuyền Gemini 8 đáp lên mặt trăng ngày 16/3/1966. Mặt chị Hằng Nga nhìn từ xa thật diểm kiều, nhưng thực tế là “mặt rỗ như tổ ong” do các thiên thể tự do bắn phá vì không có lớp khí quyển bao che bảo vệ. Không có Oxy, cũng không có nước cần cho sự sống, mặt trăng chỉ là một sa mạc, khô hạn, lạnh lùng và không có sự sống.
Vỡ mộng cho Đường Minh Hoàng, và cho bao thi nhân!
 
 
Rading, 6/2010
Nguyễn Thị Kim Thu