DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Xóm đáy

Lên mạng ngày 27/6/2011

XÓM ĐÁY
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
Vào thuở thiếu thời, đời tôi gắn liền với sông nước Hậu Giang. Nhà tôi, cũng như nhà nội và các cô chú đều nằm bên bờ sông Cái Răng. Với cái tuổi đầy thơ mộng đó, tôi đã có nhiều kỹ niệm về dòng sông này.
Ngày nay, ai từng đi ghe từ bến Ninh Kiều đến Cái Răng, không khỏi ngạc nhiên khi đi ngang các thôn xóm có nhà đúc sang trọng mang tên Xóm Chài, Cái Nai, Cái Da, xóm Cháo Cá, xóm Lò tương, xóm Giá, Cái Răng bên kia sông. Còn về phía Cần Thơ bây giờ thì trù phú và xinh đẹp hơn, không ai còn thấy hình ảnh nghèo nàn của Xóm Câu, Xóm Đáy ngày xưa.
Từ hồi 5-10 tuổi, cách đây trên 55 năm, tôi đã thích thú nhìn ra sông hàng đêm, ngắm hàng trăm ánh đèn, đèn dầu, đèn măng-xông của các đáy hay thuyền câu bồng bềnh trên sông nước. Phải nói đó là phong cảnh rất đẹp mắt, ánh đèn rọi bóng dưới mặt nước nhấp nhô bởi làn sóng lăn tăn. Rồi nghe các giọng hò trử tình của những cập trai gái văng vẳng trong làn gió mát. Và cũng thật là buồn não nuột khi nghe những câu vọng cổ cất lên giữa đêm khuya vắng vẻ. Nhưng cũng có những lúc hải hùng khi nghe tiếng kêu la khóc lóc khi có kẻ chết đuối, hàng trăm người yên lặng đứng trên bờ chấp tay như cầu nguyện nhìn hàng chục người đang lặn hụp cố tìm xác người chết trên dòng sông giận dữ chảy xiết.
Ngày xưa, đa số người dân cư ngụ hai bên bờ Sông Cái Răng sống bằng nghề bắt cá sông, cha truyền con nối từ bao đời. Họ có đời sống đạm bạc, nghèo nàn. Chồng làm nghề cá, hoặc chài lưới, hay thả câu, thả đáy, thì vợ con làm nhiệm vụ bán cá, hoặc bán tại chỗ cho ghé thuyền qua lại tấp nập trên sông, hoặc bán tại chợ Cái Răng hay trong thôn xóm. Nhà tôi thường không mua tôm cá ở chợ Cái Răng, mà mua trực tiếp từ những bà chèo xuồng bán dọc sông và rạch, mỗi khi qua nhà tôi thì rao hàng lanh lãnh. Tôm cá còn tươi, nhảy chành chạch trong ghe. Họ bán thường giá rất rẽ so với ở chợ, nhất là khi cá thâu hoạch vào buổi tối, không còn chợ để bán. Họ không có phương tiện tồn trữ cá để bán cho chợ sớm ngày hôm sau. Thế là chị em ngưng học, cùng nhau quay quần làm sạch một rỗ lớn đầy cá, rồi đem kho hay muối để ăn ngày hôm sau, vì cũng không có phương tiện tủ lạnh tồn trữ như bây giờ. Rồi những đêm học khuya, đói bụng, chiếc xuồng bán cháo cá từ xóm Cháo Cá đến cặp bến nhà tôi, chị em lại quay quần vừa thỗi vừa ăn ngon tuyệt diệu.
Người dân đánh cá sống theo từng xóm cùng nghề nghiệp: Xóm chài, xóm cháo cá, xóm Câu, xóm đáy. Ở Cái Cui có một xóm chuyên làm mắm nêm. Ngoại trừ những gia đình làm chủ ruộng vườn dọc bờ sông mới có cuộc sống sung túc, đa số người dân sống vào nghề bắt cá thường rất nghèo nàn. Họ sống trong túp lều lá dựng dọc mé sông, nửa trên bờ nửa dưới nước. Cha mẹ con cái rất vất vả trong nghề này. Họ sống theo con nước. Không phải lúc nào hễ câu hay thả đáy là có cá. Tùy theo con nước khi rong (nước lớn) khi ròng (nước rút), nên có khi họ làm ban sớm, ban trưa, chiều tối hay đêm khuya, không theo giờ giấc nhất định. Ai ai cũng có màu da rạm nắng, tóc hoe. Đa số đều nghiện rượu vì thói quen uống rượu cho ấm, nhất là những người thợ làm đáy phải lặn hụp dưới nước sâu trong mấy tiếng đồng hồ, khi thả đáy hay khi thâu hoạch cá.
          Cửa sông đầu Vàm Ninh Kiều khá rộng, nhưng càng vào xa dòng sông nhỏ dần, và hai bên chi chit những rạch lớn, rạch nhỏ. Khi nước rong (nước lớn chảy vào trong) hay khi ròng (nước xuống, chảy ra sông cái Hậu Giang), càng xa sông cái nước càng chảy xiết. Tại vàm rạch Đầu Sấu và sông Cái Răng, nước chảy rất siết, tạo các xoáy nước rất nguy hiểm có thể làm chìm ghe nhỏ. Ở nơi này có rất nhiều người chết đuối, mặc dầu giỏi bơi cách mấy nhưng khi bị nước xoáy nhận chìm thì không có cách nào thoát được. Vì nước chảy xiết với xoáy nước, bờ bên phía Cần Thơ (Xóm Hợp Tác Xã) bị lở, phía Xóm Đáy được bồi. Phía đất bồi rất nhiều ốc và hến. Khi nước rút, đàn bà và trẻ con đi mò hến ở bải bồi, chỉ nhìn xem họ mò hến cũng khá vui mắt.
Chính từ bên ngả ba sông rạch Đầu Sấu này chạy về hướng Cần Thơ, có nhiều nơi chiều rộng sông thu hẹp lại, nước chảy xiết, tập trung rất nhiều cá, nên là nơi người dân thả đáy.
          Ngày xưa, tôi thấy có rất nhiều đáy chạy ngang sông. Đó là những hàng cọc dài, đóng từ đáy sông và lú cao hơn mặt nước khi rong vài ba thước. Trên đỉnh cọc là ngọn đèn dầu thắp ban đêm để ghe thuyền biết không chạy vào đáy, nguy hiểm chết người. Nơi nước sâu và chảy siết, thường dùng cặp thùng phuy làm phao nổi kẹp giữa cọc đáy. Đáy là bộ lưới bắt cá hình cái lú, đường kính miệng rộng 5-15 m, dài 15-30 m. Cá theo dòng nước, chạy vào miệng đáy, dọc theo lưới ôm nhỏ dần và tận cùng là một đáy gom cá.
 
          Người dân phải biết tính đàn cá. Khi bắt đầu nước rong, cá theo dòng nước lớn từ sông Hậu Giang chảy vào Sông Cái Răng và các rạch chi nhánh để kiếm mồi. Khi nước bắt đầu ròng, bây giờ cá đã no nê, theo dòng nước rút chảy ra sông Cái Hậu Giang. Chính lúc mực nước đứng đang cao nhất và bắt đầu ròng chảy ngược ra sông Hậu là lúc trải (thả) đáy. Thường phải 3-4 người lực lưỡng mới có thể thả lưới đáy lớn, có người phải lặn sâu tận đáy sông để lưới đáy mở rộng giữa 2 cọc và từ mặt nước đến đáy sông, để diện tích miệng đáy lớn nhất gom cá vào đáy. Năm sáu giờ sau, khi nước đứng và lúc nước rong sắp bắt đầu, lúc này sông cạn nhất, là bắt đầu dỡ đáy. Nhiều người kéo, vài người lặn sâu để đưa đáy đến gần cọc, và cuối cùng xổ cá từ đáy vào ghe xuồng. Công tác nghe dễ dàng nhưng rất nặng nhọc, và có thể chết người nhất là các thợ lặn. Lúc đúng mùa trúng, cá có thể đầy ghe, nhưng cũng có lúc thất mùa, chỉ vài ki lô cá đủ loại.
          Dân làm đáy hoạt động theo mùa. Mùa thu hoạch tép bạc bắt đầu mùa mưa, khoảng mùng 5 tháng 5 âm lịch. Rồi tới mùa cá bống trứng. Mùa “cá linh chạy” là mùa đem lợi tức nhiều nhất, có lúc ghe khẩm đầy cá. Vào lúc sông Mekong dâng nước cao và chảy xiết, cá linh từ Biển Hồ từng đàn lớn “chạy” theo nước đến vùng Cần Thơ khoảng tháng 10 âm lịch. Bây giờ cá linh đã lớn, mập tròn, đầy mở béo ngợi. Đàn cá “chạy” vào đáy, khi thâu hoạch có thể đầy ghe, không bán ở chợ hết được, đành phải bán cho các người làm mắm, hay các chú Tiều (Triều Châu) làm rẫy trồng rau cải ở Xóm Hợp Tác Xã để ủ phân bón rau. Vào mùa này, ai qua xóm Hợp Tác Xã đều ngữi thấy mùi phân cá từ các vườn rau.
          Nghề trãi đáy rất vất vã, theo mùa, theo con nước, lúc trúng phải bán đỗ bán tháo, lúc thất mùa thì chẳng có lợi tức gì, ngoài phần rất nguy hiểm. Tôi không chứng kiến được một biến cố quan trọng ở Xóm Đáy, vì lúc đó tôi còn quá nhỏ, chỉ được nghe ba má tôi kể lại.
          Khoảng 1950, mặc dầu suốt một tuần mưa to gió lớn trong tháng mười âm lịch, dân Xóm Đáy vẫn ra sông trãi đáy, vì là mùa “cá linh chạy”. Tối hôm đó, trên sông nước chảy cuồn cuộn với sóng cao có thể lật thuyền ghe, người ta nghe tiếng eo éo như con nít khóc lóc. Các cụ bô lão kinh nghiệm cho biết đó là loài cá nược (dolphin) đi lạc vào sông Cái Răng. Theo dị đoan, đó là báo hiệu một hung tin cho dân Xóm Đáy. Sau này đọc nhiều sách, tôi cũng biết là thổ dân dọc sông Amazon ở Nam Mỹ cũng tin tưởng cá nược là thần linh mang theo điềm dử khi xuất hiện “khóc lóc” trong đêm. Thế là các cụ cho thả đèn gắn trên các bè chuối thả trên sông để xua đuổi thần linh cá nược. Cá nược chạy trốn đèn, nhưng sau đó quay lại Xóm Đáy “khóc lóc” nhiều lần trong đêm. Tới giờ dỡ đáy. Có một đáy quá nặng, không kéo lên được, hình như bị vướn cọc ngầm. Thế là một thơ lặn được phái lặn xuống sâu để gỡ. Lặn hoài không thấy trồi lên. Vì điềm gỡ cá nược, không ai dám lặn thêm. Tới sáng ngày sau, khi trục đáy lên, người ta thấy người thợ lặn nằm chết bên trong đáy, chết cùng một con cá nược. Bây giờ, mới hiểu là một cặp cá nược bị lạc vào Sông Cái Răng, một con bị chui vào đáy chết, con kia lẫn quẫn kêu bên ngoài. Một điều làm mọi người dân Xóm Đáy thắc mắc không hiểu nỗi là người thợ lặn ở bên ngoài lưới lại nằm chết trong đáy. Cá nược thần linh kia đã trả thù chăng?
          Kễ từ đó, dân Xóm Đáy phải đỗi nghề khác làm ăn, vì cá càng ngày càng hiếm, không thể nuôi sống được nữa. Mùa cá linh chạy từng đàn lớn bây giờ không còn nữa.
 
Reading, 6/2011
Nguyễn Thị Kim-Thu